Trả lời:
Rượu, bia là chất kích thích cần tránh suốt thai kỳ. Khi thai phụ uống rượu, lượng cồn sẽ qua nhau thai, đi vào máu tích tụ vào thai nhi. Quá trình đào thải rượu của thai nhi chậm hơn người lớn. Nếu thai phụ chỉ say rượu vài giờ, thai nhi có thể li bì trong vài ngày.
Phụ nữ mang thai uống rượu làm tăng nguy cơ dị tật, suy dinh dưỡng bào thai, chậm phát triển các cơ quan của trẻ. Các vấn đề về tăng trưởng và hệ thần kinh trung ương của thai nhi (ví dụ như nhẹ cân, các vấn đề về hành vi) có thể xảy ra do sử dụng rượu bất cứ lúc nào trong thai kỳ.
Hệ quả nghiêm trọng do uống rượu, bia khi mang thai là gây ra hội chứng rối loạn do nhiễm độc rượu của bào thai (Fetal alcohol spectrum disorders - FASD). Bệnh khiến thai nhi kém phát triển ngay trong tử cung, khuôn mặt bất thường, dị tật tim và tổn thương hệ thần kinh trung ương. Trẻ mắc hội chứng này có thể có đầu và não nhỏ bất thường, khuyết tật bẩm sinh ở tim, cột sống.
Các nhà khoa học Hà Lan đã phân tích đặc điểm trên khuôn mặt của hơn 5.600 trẻ em trong độ tuổi đi học bằng hình ảnh 3D và thuật toán. Họ tìm thấy sự khác biệt giữa khuôn mặt trẻ có mẹ uống rượu trước ba tháng khi mang thai và trong thai kỳ so với thai phụ không uống rượu. Nếu thai phụ uống 12 g rượu mỗi tuần có thể khiến cằm thai nhi nhô ra, mũi ngắn, hơi hếch lên trên, mắt thụt vào trong. Nếu người mẹ uống rượu nhiều, những thay đổi rõ hơn.
Uống rượu, bia cũng ảnh hưởng sức khỏe của mẹ bầu, tăng nguy cơ mắc bệnh mạn tính. Người uống rượu thường xuyên gây hại hệ tiêu hóa và não, dễ mất tập trung, buồn ngủ, không tỉnh táo.
Các chuyên gia sản khoa khuyến cáo, thai phụ tuyệt đối không sử dụng chất cồn trong thai kỳ. Phụ nữ nghiện rượu, bia cần cai nghiện trước khi mang thai ba tháng để tránh ảnh hưởng đến con sau này.
BS.CKII Nguyễn Ngọc Thoại
Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả gửi câu hỏi về sản phụ khoa tại đây để bác sĩ giải đáp |