Sữa bầu được đặc chế theo công thức dành riêng cho phụ nữ mang thai và đang cho con bú. Các chất dinh dưỡng thiết yếu có trong sản phẩm như DHA, axit folic, sắt, kẽm, canxi... hỗ trợ tăng cường sức đề kháng cho thai phụ, giúp thai nhi phát triển tối ưu.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Duy Tùng, Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome, khuyến cáo thai phụ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để chọn loại sữa bầu phù hợp.
Nếu thai phụ mệt mỏi, chóng mặt, có thể chọn sữa chứa hàm lượng sắt và kẽm cao để cải thiện tình trạng. Người hay bị chuột rút, nhức mỏi cơ thể nên dùng sản phẩm giàu canxi, giúp giảm triệu chứng chuột rút và cân bằng hệ thống xương. Khi thai nhi phát triển chậm hơn so với tiêu chuẩn, mẹ bầu nên uống sữa giàu protein, canxi, vitamin, khoáng chất để hỗ trợ em bé phát triển toàn diện.
Sữa bầu thường cung cấp đầy đủ dưỡng chất dễ hấp thụ bao gồm sắt (ngăn ngừa nguy cơ thiếu máu trong thai kỳ), axit folic (giảm nguy cơ dị tật ở thai nhi), DHA (tăng cường thị lực), canxi (giúp phát triển xương và răng chắc khỏe), chất xơ (hỗ trợ tiêu hóa và duy trì sự ổn định của hệ tiêu hóa).
Mẹ bầu cần quan tâm đến hương vị của sản phẩm, ưu tiên vị quen thuộc, thanh mát, dễ uống. Nên chọn sữa bầu uy tín, quy trình sản xuất hiện đại, đảm bảo an toàn, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng cao.
Bác sĩ Duy Tùng lưu ý thai phụ những điều dưới đây để nhận được lợi ích tối ưu khi uống sữa bầu.
Cách pha sữa: Đọc kỹ hướng dẫn, pha sữa đúng theo tỷ lệ khuyến cáo. Không pha quá đặc hoặc quá loãng vì ảnh hưởng đến hàm lượng dinh dưỡng, khiếu hệ tiêu hóa của người mẹ bị tác động. Mẹ bầu nên dùng thìa đong có sẵn trong hộp sữa. Không ước lượng bằng mắt vì có thể làm sai tỷ lệ. Lắc nhẹ hộp trước khi mở để sữa bột không bị vón cục.
Sử dụng nước sạch đã được đun sôi để pha sữa. Tùy theo loại, nước pha sữa nên có nhiệt độ khoảng 40-50 độ C. Nước quá nóng làm mất đi các chất dinh dưỡng có trong sữa. Nước quá nguội không thể hòa tan hết lượng sữa bột.
Liều lượng uống: Thai phụ cần bổ sung 3-6 đơn vị sữa bầu mỗi ngày (tùy giai đoạn), tương đương 300-600 ml sữa bầu mỗi ngày. Uống sữa bầu quá nhiều, thừa chất dinh dưỡng có thể gây hại cho cả mẹ và bé. Ví dụ, mẹ tăng cân quá mức làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ, tăng huyết áp, tiền sản giật. Thai nhi thừa cân dẫn đến những hệ quả như suy tim, suy hô hấp, hạ thân nhiệt... Lạm dụng sữa bầu còn tăng nguy cơ táo bón thai kỳ, đầy bụng, khó tiêu.
Thời điểm uống sữa bầu: Uống sữa bầu sau bữa ăn sáng khoảng 1-2 giờ và trước khi ngủ vào buổi tối khoảng hai giờ. Không uống sữa khi đang ăn vì gây khó tiêu, dạ dày bị quá tải. Thai phụ uống sữa ngay sau khi pha xong, có thể bảo quản sữa bầu đã pha trong tủ lạnh và dùng trong vòng 24 giờ, không nên để quá lâu vì ôi thiu, mất chất dinh dưỡng.
Cách uống sữa bầu: Thai phụ nên uống sữa từ từ, từng ngụm nhỏ. Sau khi uống, tránh dùng thuốc vì có thể làm giảm tác dụng và cản trở khả năng hấp thụ dinh dưỡng. Điều này có thể gây ra tác dụng phụ không tốt cho sức khỏe.
Mẹ bầu không nên ép mình phải uống cố định một loại. Nếu thấy sữa không phù hợp, nên nhờ bác sĩ tư vấn để thay đổi, nhưng hạn chế đổi quá nhiều lần vì làm chậm hấp thu chất dinh dưỡng.
Bác sĩ Tùng lưu ý sữa bầu không thể thay thế hoàn toàn cho chế độ ăn uống cân bằng, giàu dinh dưỡng. Thai phụ cần đảm bảo cung cấp đủ hàm lượng dinh dưỡng cần thiết cho bản thân và thai nhi, khám thai định kỳ và khám dinh dưỡng thai kỳ để bác sĩ tư vấn chế độ ăn cân bằng, khoa học.
Kim Thành
Độc giả đặt câu hỏi về dinh dưỡng tại đâyđể bác sĩ giải đáp |