Trả lời:
Măng cụt là loại trái cây giàu dinh dưỡng, hương vị thơm ngon, nhiều người ưa chuộng. Trung bình 100 g măng cụt cung cấp khoảng 73 calo, 18 g chất đường bột, 1,8 g chất xơ, 0,6 g chất béo và 0,4 g protein. Măng cụt còn chứa nhiều vitamin (C, B1, B2, B3, B5, B6, B9) và các khoáng chất (mangan, magie, kali, sắt).
Hiện, chưa có nghiên cứu nào cho thấy măng cụt chứa các thành phần dẫn đến co thắt tử cung, rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm hoặc biến chứng thai kỳ nguy hiểm. Bạn mang thai có thể ăn quả này với lượng vừa phải để mang đến lợi ích, không quá nhiều cùng lúc hoặc nhiều hơn 240 g mỗi ngày. Măng cụt chứa hàm lượng đường và chất xơ khá cao. Hấp thụ quá nhiều hai chất này có thể khiến mẹ bầu bị tiêu chảy, tăng đường huyết. Ăn lâu ngày dễ thừa cân, béo phì, đái tháo đường thai kỳ.
100 g măng cụt có thể chứa 16 mg beta-carotene (tiền chất vitamin A) có khả năng kích thích các tế bào phôi thai phân chia, phát triển và biệt hóa thành nhiều bộ phận khác nhau trong cơ thể. Vitamin A cũng hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch, giúp thai phụ giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng, nhiễm khuẩn như cảm cúm, viêm mũi, viêm họng trong thai kỳ.
Măng cụt còn chứa vitamin C, khoảng 2,9 g vitamin C trong 100 g, giúp kích thích cơ thể tăng sinh collagen, hỗ trợ thai phụ giảm tình trạng rạn da bụng, cải thiện độ đàn hồi, mức độ tương đồng màu da toàn thân.
Nhiều chất chống oxy hóa, chống viêm mạnh có trong măng cụt như phenolic, xanthones, procyanidin, flavonoid, anthocyanin. Chúng có tác dụng bảo vệ tế bào trước các tác nhân gây hại, giảm nguy cơ hình thành các tế bào ung thư, đồng thời hỗ trợ thai phụ thư giãn tinh thần, hạn chế rối loạn lo âu hoặc trầm cảm.
Hợp chất gamma mangostin trong măng cụt giúp thai phụ kiểm soát đường huyết theo hai cơ chế. Chúng ức chế enzyme alpha amylase và enzyme alpha glucosidase để cơ thể giảm hấp thụ chất đường bột, góp phần điều hòa đường huyết. Hợp chất này cũng hỗ trợ tăng tốc độ hấp thụ glucose, giúp cơ thể hạn chế tiết ra insulin.
Măng cụt giàu sắt, vitamin B9 có thể hạn chế nguy cơ thiếu máu thai kỳ, hỗ trợ ngăn ngừa dị tật ống thần kinh ở thai nhi. Hàm lượng chất xơ làm mềm phân và tăng cường nhu động ruột, có thể ngăn ngừa hoặc cải thiện táo bón.
Bạn cần phối hợp chế độ dinh dưỡng thai kỳ đa dạng thực phẩm, cân đối các nhóm chất dinh dưỡng quan trọng gồm bột đường, đạm, béo, vitamin và khoáng chất. Tình trạng sức khỏe, cơ địa mỗi thai phụ có thể khác nhau. Do đó, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ chuyên khoa sản hoặc chuyên gia dinh dưỡng trước khi ăn măng cụt.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Duy Tùng
Trung tâm Dinh dưỡng Nutrihome
Độc giả gửi câu hỏi về dinh dưỡng tại đây để bác sĩ giải đáp |