Ngày 31/12, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Tâm, Trung tâm Sản Phụ khoa, người trực tiếp thực hiện ca mổ lấy thai, cho biết: sáng sớm ngày 18/12, thai phụ Trần Tuyết Vân (sinh năm 1989) nhập viện theo dõi chuyển dạ tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM. Tại thời điểm nhập viện, thai phụ mang thai con so (con đầu lòng), ngôi đầu, ối vỡ một giờ trước đó, cổ tử cung mở một cm, xóa ngắn lại.
Tuy nhiên, sau 6 tiếng theo dõi chuyển dạ, dù cơn gò tử cung đều, cường độ mạnh, cổ tử cung của sản phụ vẫn không mở thêm. Tình trạng cổ tử cung mở một phân dày vẫn duy trì không chuyển biến. Sản phụ được bác sĩ chỉ định theo dõi tiếp chuyển dạ sinh thường vì vẫn còn trong thời gian diễn tiến bình thường của chuyển dạ giai đoạn sớm. Người mẹ và gia đình cũng ước nguyện được sinh thường.
Suốt 10 tiếng sau đó, cổ tử cung của sản phụ vẫn không mở thêm, âm đạo bắt đầu ra huyết nhiều, khoảng gần 300 ml máu cho 2 đợt ra huyết liên tiếp nhưng chưa thể sinh do chuyển dạ ngừng tiến triển. Nhằm tránh nguy cơ cho cả mẹ và bé, các bác sĩ đã thực hiện ca mổ để đưa bé ra ngoài lúc 19h ngày 18/12.
Khi em bé được đưa ra ngoài, các bác sĩ phát hiện thai nhi bị dây rốn quấn quanh cổ đến 4 vòng, phần dây rốn còn lại cũng ngắn chỉ còn khoảng 30 cm. "Đây cũng chính là nguyên nhân khiến thai không thể nào di chuyển xuống khung chậu vào đường sanh, gây ra tình trạng chuyển dạ ngừng tiến triển ở mẹ", bác sĩ Tâm cho biết.
Mặt khác, bác sĩ Tâm nhận định trong trường hợp của sản phụ Tuyết Vân, có kèm theo những bất lợi về tư thế của thai nhi, thai bị treo lên cao bởi dây rốn quấn nhiều vòng. Trong quá trình sản phụ chuyển dạ, cơn gò tạo thành những áp lực đẩy thai xuống, vô tình sẽ gây ra tình trạng rối loạn cơn gò, như là "cơn gò cường tính". Từ đó dẫn đến nguy cơ suy thai, vỡ mạch máu, vỡ tử cung, ra huyết nhiều.
Ca mổ bắt thai thành công, bé trai chào đời với cân nặng 3,190 kg, khỏe mạnh, khóc lớn, sinh hiệu ổn định. Sau ca mổ, sức khỏe sản phụ ổn định, không ghi nhận bất thường. Sản phụ xuất viện sau 4 ngày được chăm sóc tại Trung tâm Sản Phụ khoa Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP HCM.
Bác sĩ Thanh Tâm cho biết thêm, dây rốn quấn quanh cổ nếu siết quá chặt sẽ cản trở dòng máu lưu thông, gây ra tình trạng suy thai. Tuy nhiên, tại BVĐK Tâm Anh, những ca suy thai do dây rốn quấn cổ đều có thể phát hiện từ sớm, xử lý kịp thời nhờ đặt máy CTG theo dõi thai, có sự theo dõi sát sao của đội ngũ y tế Trung tâm Sản Phụ khoa.
Theo bác sĩ Thanh Tâm, dây rốn quấn cổ thai nhi không phải là lúc nào cũng phải mổ lấy thai khi vào chuyển dạ, mà còn phụ thuộc vào diễn tiến của cuộc chuyển dạ. Thực tế, trường hợp dây rốn quấn cổ thai nhi rất thường gặp, không được xếp vào tai biến thai kỳ. Hơn 90% trường hợp dây rốn quấn cổ có thể sinh thường và Trung tâm Sản Phụ khoa từng đỡ sinh thường em bé có dây rốn quấn cổ 4 vòng. "Do đó, nếu trong quá trình mang thai phát hiện dây rốn quấn cổ thai nhi, thai phụ cũng không nên quá lo lắng hoặc vội vàng yêu cầu mổ vì mỗi vết mổ là một nguy cơ", bác sĩ Tâm khuyên.
Trong trường hợp sản phụ chuyển dạ đình trệ, tức là cuộc chuyển dạ vì nguyên nhân nào đó bị ngừng lại, phải chỉ định can thiệp bằng thuốc hay thủ thuật hoặc phẫu thuật mổ lấy thai. Chuyển dạ đình trệ là một trong những biến cố bất lợi trong chuyển dạ của sản khoa, cần phải đưa ra những quyết định nhanh chóng và đúng đắn vì nếu can thiệp quá sớm sẽ làm tăng tỷ lệ can thiệp thủ thuật hay phẫu thuật. Ngược lại, nếu muộn quá thì lại là nguy cơ gây tai biến cho mẹ, con. Do đó, thai phụ cần khám thai theo lịch hẹn, đặc biệt ở 3 tháng cuối thai kỳ, nếu có bất thường sẽ được theo dõi, xử trí kịp thời.
Lê Nguyễn