Sinh thời, bố chị Mai mong mỏi có cháu ngoại. 6 năm sau ngày ông mất, ước mơ ấy mới thành sự thực.
Kết hôn năm 2010, một năm sau chưa có con, chị Mai và chồng là anh Đặng Sỹ Lợi đi khám, được chẩn đoán tinh trùng yếu nên khó thụ thai tự nhiên. Vợ chồng chị điều trị bằng đông tây y, 4 lần bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI) đều thất bại.
Được bố động viên, năm 2017 họ thụ tinh ống nghiệm (IVF) nhưng ba lần chuyển phôi vẫn không thành công. Một lần, con gái phải hút bỏ thai lưu, bố chị vào bệnh viện chăm sóc. "Lần đầu tiên tôi thấy bố khóc, lo vợ chồng tôi không có con về già cô quạnh", chị Mai nói, thêm rằng vài tháng sau bố mình đột quỵ rồi qua đời.
Day dứt bởi bố ra đi khi chưa được nhìn cháu, một năm sau đám tang ông, vợ chồng chị nuôi quyết tâm tiếp tục điều trị, từ châm cứu, dùng thuốc đông tây y, thêm một chu kỳ thụ tinh ống nghiệm vẫn tay trắng.
Cuối năm 2022, họ đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM. Bác sĩ Lê Xuân Nguyên cho biết xét nghiệm tinh dịch đồ của anh Lợi ghi nhận tinh trùng yếu, ít, cấu trúc di truyền bất thường. Chị Mai lớn tuổi, dự trữ buồng trứng thấp, siêu âm mỗi bên buồng trứng chỉ có hai nang noãn, chất lượng trứng kém. Tình trạng lạc nội mạc tử cung cản trở phôi thai bám dính.
Chị Mai được gom trứng nhiều chu kỳ. Sau ba chu kỳ kích thích và chọc hút buồng trứng, bác sĩ thu được 11 trứng.
Anh Lợi được thu mẫu tinh dịch. Các chuyên gia phôi học lọc rửa, lựa chọn tinh trùng đủ điều kiện và tiêm vào bào tương trứng (kỹ thuật ICSI) thụ tinh tạo được 6 phôi ngày 5, toàn bộ được trữ lạnh.
Sau 6 chu kỳ điều trị bằng thuốc nội tiết giúp nội mạc tử cung đủ điều kiện, bác sĩ Nguyên chuyển một phôi vào buồng tử cung giúp chị Mai đậu thai.
"Trước khi mất, bố mong mỏi vợ chồng tôi có con, sau bao thử thách cuối cùng đã có ‘quả ngọt’", chị Mai chia sẻ.
Cuối tháng 7/2023 chị Mai hạ sinh bé trai gần 3 kg. Ước mơ có con sau 13 năm thành hiện thực.
Từ ngày có thành viên mới, căn nhà của vợ chồng chị Mai rộn tiếng cười trẻ thơ. Tết này, vợ chồng chị không còn sợ những lời hỏi thăm chuyện con cái. Niềm vui nhân đôi khi giáp Tết, chị Mai mang thai tự nhiên, chuẩn bị cho con thứ hai ra đời. "Tôi tin rằng ở nơi chín suối bố đã thanh thản mỉm cười", chị nói thêm.
Theo bác sĩ Nguyên, nguyên nhân vô sinh hiếm muộn có thể đến từ người vợ, chồng hoặc cả hai phía. Ở nam giới, tinh trùng yếu là tình trạng chất lượng tinh trùng bị suy giảm. Mỗi lần xuất tinh, lượng tinh dịch thường ít hơn 2ml, tỷ lệ di động dưới 75%, tỷ lệ chết và không di động cao hơn 25%. Tình trạng này có thể do nhiều nguyên nhân như bệnh lý giãn tĩnh mạch thừng tinh; mất cân bằng nội tiết tố; dị tật bẩm sinh; rối loạn di truyền; làm việc trong môi trường tiếp xúc hóa chất, tia xạ; lạm dụng rượu bia, thuốc lá; căng thẳng kéo dài...
Ở phụ nữ, tuổi tác ngày càng lớn là một trong những nguyên nhân gây hiếm muộn. Sự suy giảm số lượng và chất lượng trứng khiến phụ nữ giảm dần cơ hội mang thai sau 32 tuổi. Sau 35 tuổi, khả năng thụ thai giảm với tốc độ nhanh hơn. Bên cạnh đó, theo tuổi tác, các tình trạng bệnh lý ngày càng gia tăng có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, như tình trạng lạc nội mạc, viêm nhiễm tử cung... tăng các khó khăn trong quá trình điều trị.
Do đó, vợ chồng không có thai sau một năm kết hôn nên đi khám toàn diện sức khỏe sinh sản. Tùy tình trạng có thể điều trị bằng các phương pháp hỗ trợ sinh sản như bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI), thụ tinh ống nghiệm (IVF) giúp sớm mang thai.
Hoài Thương
Độc giả gửi câu hỏi về vô sinh hiếm muộn tại đây để bác sĩ giải đáp |