Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Cúc, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội (IVF Tâm Anh), cho biết thông tin trên, thêm rằng Việt Nam hiện có ít nhất một triệu cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn, khoảng 50% trường hợp dưới 30 tuổi. Nguyên nhân vô sinh xuất phát từ người chồng tương đương người vợ, cùng chiếm tỷ lệ khoảng 40%, 10% do cả hai và 10% không rõ nguyên nhân.
Môi trường ô nhiễm
Môi trường sống ô nhiễm tác động tiêu cực đến khả năng sinh sản. Ở nữ giới, yếu tố này có thể ảnh hưởng đến chất lượng trứng, giảm dự trữ buồng trứng.
Nghiên cứu năm 2021 với hơn 18.500 cặp vợ chồng Trung Quốc công bố trên Tạp chí Môi trường Quốc tế cho thấy phụ nữ sống ở khu vực có mức độ ô nhiễm bụi mịn PM2.5 trên 10 microgam/m3 trong một năm có nguy cơ vô sinh cao hơn 20% so với người sống trong môi trường không khí trong lành.
Với nam giới, các chất gây ô nhiễm không khí có thể gây ra stress oxy hóa cho tinh trùng, dẫn đến phân mảnh DNA (DNA bị đứt gãy ở đầu tinh trùng). Từ đó làm giảm số lượng, chất lượng tinh trùng, giảm chất lượng phôi và khả năng tiếp nhận phôi của nội mạc tử cung.
Một nghiên cứu hồi cứu năm 2023 tổng hợp gần 27.000 nghiên cứu của Đại học Semmelweis, Hungary, cho thấy ô nhiễm không khí, tiếp xúc với thuốc trừ sâu làm tăng sự phân mảnh DNA tinh trùng lên trung bình 9,68%.
Ngoài ra, nam giới làm việc trong môi trường tiếp xúc nhiều với hóa chất công nghiệp cũng ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng sinh tinh. Số lượng và chất lượng tinh trùng suy giảm mạnh, tỷ lệ tinh trùng bất thường về hình thái và chức năng cao, gây khó thụ thai tự nhiên.
Lối sống không lành mạnh
Theo bác sĩ Cúc, cuộc sống hiện đại khiến nhiều người trẻ bận rộn, ít có thời gian nghỉ ngơi, ngủ không đủ giấc hoặc thường xuyên thức khuya. Rối loạn nhịp sinh học thức - ngủ có thể làm gián đoạn chu kỳ hormone, ảnh hưởng đến quá trình rụng trứng ở nữ và sản xuất tinh trùng ở nam giới, dẫn tới vô sinh. Thiếu ngủ kéo dài còn khiến tinh thần căng thẳng, khó chịu, dễ cáu gắt, từ đó giảm ham muốn tình dục.
Tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều muối, đường, chất béo bão hòa, chất bảo quản... không tốt cho sức khỏe nói chung và khả năng sinh sản nói riêng. Những thực phẩm này có thể gây mất cân bằng nội tiết tố trong cơ thể, tăng nguy cơ béo phì, tăng các gốc tự do trong máu, ảnh hưởng đến chất lượng trứng, giảm sản xuất tinh trùng. Một số bao bì thực phẩm công nghiệp có thể chứa nhiều chất độc hại BPA, ảnh hưởng đến khả năng di động của tinh binh.
Thức khuya, lạm dụng đồ ăn nhanh, chế biến sẵn còn tăng nguy cơ mắc các bệnh ảnh hưởng đến khả năng thụ thai như tiểu đường, tim mạch, béo phì.
Thói quen uống nhiều bia rượu, trà, cà phê, soda... của nhiều người trẻ có thể gây vô sinh, theo bác sĩ Cúc. Cụ thể, caffeine có thể làm giảm hoạt động của các cơ trong các ống dẫn trứng, cản trở quá trình di chuyển của tinh trùng, trứng, phôi.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng uống rượu có liên quan đến sự gia tăng nồng độ estrogen, hormone kích thích nang trứng (FSH) và hormone tạo hoàng thể (LH), giảm mức progesterone, do đó làm giảm cơ hội thụ thai. Nồng độ estrogen cao làm giảm cơ hội phôi làm tổ. Trong khi đó, mức progesterone hạ thấp dẫn đến giảm dự trữ buồng trứng, gián đoạn chu kỳ kinh nguyệt và khả năng rụng trứng, hạn chế khả năng thụ thai.
Nam giới uống nhiều rượu bia trong thời gian dài có nguy cơ giảm giải phóng gonadotropin; teo tinh hoàn; hạn chế sản xuất testosterone và tinh trùng; rối loạn chức năng tình dục như rối loạn cương dương, xuất tinh sớm. Đồng thời, những rối loạn chức năng gan do bia rượu cũng ảnh hưởng đến khả năng chuyển hóa estrogen, gây rối loạn nội tiết tố, khiến khả năng thụ thai thành công thấp.
Theo bác sĩ Cúc, thói quen lười vận động hoặc tập thể dục quá mức có thể gây rối loạn khả năng sinh tinh trùng và trứng; rối loạn khả năng tình dục; tăng nguy cơ sẩy thai. Người ít vận động dễ bị béo phì, tiểu đường, huyết áp cao, hội chứng buồng trứng đa nang gây hiếm muộn ở nữ giới. Người có cường độ vận động cao như các vận động viên thi đấu thể thao chuyên nghiệp cũng có thể giảm số lượng và chất lượng tinh trùng.
Hút thuốc lá
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam hiện là quốc gia có tỷ lệ hút thuốc lá cao, trong đó nam giới là 42,3% và nữ giới là 1,7%.
Hút thuốc lá hoặc hít phải khói thuốc thụ động đều ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng sinh sản ở cả hai giới. Theo bác sĩ Cúc, thói quen này làm tăng nguy cơ tắc ống dẫn trứng, ung thư cổ tử cung, tổn thương tế bào trứng, sẩy thai ở phụ nữ. Với nam giới, chất độc trong khói thuốc lá làm giảm testosterone, ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của tinh hoàn và chất lượng tinh trùng. Các gốc oxy hóa tăng làm suy giảm quá trình sinh tinh; hạn chế khả năng vận động của tinh trùng, gây dị dạng, phân mảnh DNA, thậm chí chết tinh trùng.
Kết hôn muộn
Tỷ lệ người độc thân và tuổi kết hôn ở người trẻ Việt có xu hướng tăng, theo Tổng cục Thống kê. Trong khi đó, khả năng sinh sản ở nam và nữ giảm theo độ tuổi. Nam giới càng lớn tuổi, tỷ lệ tinh trùng dị dạng càng tăng, chất lượng tinh trùng giảm 0,2-0,9% mỗi năm.
Phụ nữ càng cao tuổi, dự trữ buồng trứng và chất lượng trứng càng thấp, tăng nguy cơ xuất hiện đột biến, bất thường nhiễm sắc thể, bất thường di truyền, các bệnh lý trong thai kỳ, sẩy thai hoặc lưu thai...
Bác sĩ Cúc khuyến cáo người trưởng thành nên quan tâm đến khám sức khỏe hơn, trong đó có khám sức khỏe tiền hôn nhân.
Trước đây, vô sinh hiếm muộn thường được phát hiện ở vợ chồng lớn tuổi, hiếm muộn lâu năm. Hiện, những cặp vợ chồng kết hôn sau một năm nỗ lực thụ thai nhưng không có tin vui; có tiền sử mắc một số bệnh lý trước khi kết hôn, tiền sử gia đình có người bị vô sinh, mắc bệnh lý di truyền... được khuyến cáo khám sức khỏe sinh sản sớm. Nhờ đó, nhiều ca bệnh vô sinh, hiếm muộn sớm được phát hiện ở người trẻ.
Bác sĩ Cúc đánh giá đội ngũ bác sĩ Việt đã làm chủ nhiều kỹ thuật điều trị vô sinh hiếm muộn như thụ tinh nhân tạo, thụ tinh trong ống nghiệm và đạt tỷ lệ thành công cao, giúp cho các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn có nhiều bệnh phức tạp sinh con khỏe mạnh.
Trịnh Mai
Độc giả gửi câu hỏi về vô sinh hiếm muộn tại đây để bác sĩ giải đáp |