Giữa tháng 12/2022, con gái đầu lòng của anh Nguyễn Mạnh Tuấn, 50 tuổi và vợ Nguyễn Hải Như, 38 tuổi, chào đời nặng 3,3kg, khỏe mạnh. Đón con gái từ bác sĩ, được da kề da truyền hơi ấm cho con, người đàn ông lóng ngóng nhưng ánh mắt lấp lánh niềm vui khi nói về cái Tết đầu tiên có con.
Từ ngày ẵm con về, anh Tuấn, chị Như không ngừng ngắm nhìn con, nâng niu từng bữa ăn, giấc ngủ. Công chúa nhỏ là kết quả sau khoảng thời gian ngắn họ chữa trị tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản BVĐK Tâm Anh TP HCM.
Anh chị kết hôn muộn, 3 năm sau ngày cưới vẫn chưa có con. Vào năm 2020, chị Hải Như từng mang thai tự nhiên, nhưng đến tuần thai thứ 7 bị sảy. Sau 2 năm thai lưu, dù nỗ lực chạy chữa thuốc nam, thuốc bắc mà chưa có tin vui, anh chị bèn đi khám điều trị hiếm muộn.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, người mẹ càng lớn tuổi càng kéo theo sự suy giảm số lượng và chất lượng trứng, gia tăng tỷ lệ bất thường nhiễm sắc thể, gia tăng các bệnh lý. Tuổi của người mẹ cũng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, tỷ lệ có thai, tỷ lệ trẻ sinh sống, tăng tỷ lệ sảy thai và thai lưu ở cả thai kỳ tự nhiên và thai kỳ hỗ trợ sinh sản. Vợ chồng anh Tuấn hiểu và xác định được rằng, họ phải chạy đua với thời gian vì cả hai đều lớn tuổi, đã bỏ qua mốc thời gian vàng điều trị hiếm muộn, chất lượng trứng và tinh trùng đều suy giảm, ảnh hưởng tới cơ hội mang thai và sinh con khỏe mạnh.
Không may kế hoạch đi tìm con của họ tiếp tục bị trì hoãn một thời gian dài vì dịch Covid-19 cản trở. Sau Tết Nhâm Dần 2022, anh Tuấn mới có thể đưa vợ đến bệnh viện Tâm Anh khám, được ThS.BS Giang Huỳnh Như - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, tư vấn kỹ càng nên hai vợ chồng quyết định bắt tay thực hiện IVF ngay.
Điều trị hiếm muộn, hầu như ai cũng đặt kỳ vọng thành công ngay lần đầu, vợ chồng chị Như trái ngược. Họ thả lỏng tâm lý, không quá kỳ vọng, tuyệt đối nghe theo hướng dẫn và tư vấn của bác sĩ điều trị.
"Chúng tôi hoàn tất công việc và chuẩn bị tâm lý thoải mái để đi tìm con. Do có tiền sử lưu thai lưu, nên vợ chồng hiểu hành trình này có thể vô cùng gian nan", chị Như kể.
Nhờ giữ tâm lý thoải mái, được bác sĩ Như chỉ định phác đồ kích trứng phù hợp, phôi được nuôi trong labo IVFTA-HCM hiện đại, chị có được nhiều phôi, trong đó có 5 phôi ngày 5.
Mọi thứ diễn ra thuận lợi, nhưng không may đến kỳ chuyển phôi, chị nhiễm Covid-19. Vừa khỏi bệnh và ổn định sức khỏe, chị được bác sĩ Như tiến hành chuyển phôi vào tử cung. Họ đều lớn tuổi, bác sĩ phải chạy đua với thời gian giúp cặp đôi sớm có con.
Thời khắc bệnh viện thông báo vợ có thai sau lần đầu tiên chuyển phôi, anh Tuấn thấy "thiêng liêng và rạo rực giống như họ được ban tặng một phép màu". Dù nhà khá xa, đến lịch khám thai anh lại đều chạy xe đưa vợ từ quận 7 đến bệnh viện gần cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất để khám.
Khi vợ có dấu hiệu chuyển dạ, quá trình vượt cạn người vợ không mấy thuận lợi. Để đảm bảo sức khỏe người mẹ và "thai quý", bác sĩ đánh giá khả năng chị không thể sinh con tự nhiên nên chuyển mổ lấy thai vào 3h sáng ngày 12/12.
Vợ vượt cạn an toàn, con bình an khỏe mạnh, người đàn ông 50 tuổi òa khóc. Sau cuộc hẹn kéo dài 9 tháng 10 ngày với con, anh đã được ôm ấp công chúa nhỏ.
Nhiều cái Tết trước, anh Tuấn không dám đưa vợ về Bắc du xuân vì sợ bà con, xóm làng hỏi thăm chuyện con cái. Năm nay, em bé vừa chào đời, cả nhà quyết định ở lại miền Nam đón Tết vui vầy, ấm cúng. Thành viên mới xuất hiện giúp gắn kết tổ ấm, xóa tan bầu không khí vắng vẻ thường nhật.
Với nhiều người, quan niệm đầu năm không nên đến bệnh viện vì sợ xui xẻo, nhưng với vợ chồng anh Tuấn chị Như, mùa xuân mang theo niềm hy vọng mới. Hai vợ chồng mạnh dạn đi đến bệnh viện tìm con ngày đầu xuân 2022 và có được cái kết viên mãn, cuối năm đón con yêu về nhà.
"Rất cảm ơn BVĐK Tâm Anh đã giúp đỡ hai vợ chồng tôi có một năm thắng lợi, suôn sẻ suốt quá trình điều trị, từ những ngày đầu thăm khám và tư vấn, cho đến ngày vợ chồng tôi bế em bé khỏe mạnh về nhà", chị Như chia sẻ.
Tuệ Diễm