Chỉ mất một giờ cho quãng đường 75 km từ Hà Nội về Bình Lục, Hà Nam, nhưng vợ chồng chị Hoa, anh Hải đã 9 năm lặng lẽ gạt nước mắt nhìn đồng hương về quê đón Tết. Tết ở Hà Nội rất cô đơn, tủi thân vì nhớ nhà, nhưng về quê thì không thể.
Kết hôn năm 2010, khi cả hai đã gần 30 tuổi, họ sinh hoạt điều độ, không dùng biện pháp tránh thai nào, nhưng 6 tháng sau cưới chưa có con. Vợ chồng chị Hoa sốt ruột khi người làng cứ gặp là hỏi: "Có gì chưa? Đẻ sớm cho con khôn".
5 năm sau vẫn chưa có mụn con nào, lời thăm hỏi của người quen đã có phần xéo xắt: "Kiếm tiền để làm gì khi con không có", "Khác gì cá rô đực không", "Ăn cho nhiều vào béo mỡ lấp tịt cả đẻ",... Chị Hoa khóc, nói với chồng không ăn Tết ở quê nữa, anh Hải đồng ý.
Thấm thoắt, vợ chồng chị đã gần chục năm không về quê ăn Tết. "Người ta Việt kiều không về quê ăn Tết đã đành, còn mình cách 75 km, Tết không dám về nhà", chị Hoa tâm sự.
Chị Hoa bị hội chứng buồng trứng đa nang, một rối loạn nội tiết và chuyển hóa phổ biến, xảy ra với khoảng 5-10% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Hội chứng này khiến cơ thể tăng cân không kiểm soát, rối loạn phóng noãn gây khó có con. Đồng lương công nhân eo hẹp, khiến 2 vợ chồng hết lần này đến lần khác trì hoãn thăm khám và điều trị. Ở tuổi ngoài 40, khi kinh tế đã dư giả hơn, anh chị tính đến chuyện thụ tinh ống nghiệm (IVF) thì cả hai đã lớn tuổi, khó khăn chồng chất.
BS.CKI Cao Tuấn Anh, TT hỗ trợ sinh sản, BVĐK Tâm Anh Hà Nội (IVFTA), cho biết khi đến đây điều trị, dự trữ buồng trứng (AMH) của chị Hoa đã suy giảm mạnh, chỉ còn 1.6. Gom trứng nhiều chu kỳ, chị cũng chỉ tạo được 4 phôi ngày 3. Kỳ tích xảy ra khi chị thành công ở lần chuyển thứ hai, với một phôi tốt ngày 3.
Chị hồ hởi: "Năm nay tôi ăn Tết ngon rồi". Mẹ chồng chị nói Tết này về nhà và nghỉ ngơi hoàn toàn, những việc khác để bà lo.
Bác sĩ Lệ Thủy, người tiếp xúc trực tiếp với rất nhiều bệnh nhân vô sinh, kể rằng một trường hợp khác có con nhờ IVF sau 7 năm hiếm muộn từng thốt lên: "4 lần có thai nhưng chưa từng được bế con trên tay, nhờ bác sĩ mà em mới được làm người".
Trước đó, nhiều lần sẩy thai sớm, không sinh được con nên người phụ nữ này luôn tự dằn vặt, sống cam chịu. Chồng là con "độc đinh", áp lực sinh con nối dõi tông đường len lỏi từ ngoài xã hội vào trong gia đình, khiến chị trầm cảm, lo lắng, đau buồn, cảm giác tội lỗi dày vò... Tâm lý nặng nề, chị quyết tâm bằng mọi cách phải tìm ra nguyên nhân để điều trị.
Bác sĩ Cao Tuấn Anh cho biết, tâm lý ảnh hưởng rất lớn trong điều trị vô sinh hiếm muộn. Áp lực từ người bệnh, cộng thêm áp lực từ gia đình, xã hội dễ tạo thành một vòng luẩn quẩn khó gỡ. Khi tâm lý áp lực, stress gây ra rối loạn phóng noãn và việc thụ thai tự nhiên là rất khó. Khi thực hiện IVF, người phụ nữ có những bất ổn về mặt tâm lý cũng sẽ dẫn đến tử cung co bóp mạnh, phôi thai khó làm tổ.
"Điều quan trọng là chính bản thân phụ nữ cần tự cởi bỏ áp lực cho chính mình. Gia đình và những người xung quanh cần có thái độ thông cảm hơn với phụ nữ hiếm muộn", bác sĩ Cao Tuấn Anh chia sẻ.
Theo PGS.TS.BS Lê Hoàng, Giám đốc IVFTA, hiện có nhiều phương pháp tiên tiến được áp dụng trong điều trị vô sinh hiếm muộn tại Việt Nam. Nhờ sự tiến bộ của y học, sự hỗ trợ của trang thiết bị hiện đại, các chuyên gia nhiều kinh nghiệm sẽ đưa ra phác đồ cá thể hóa cho bệnh nhân. Nhờ đó mà lời giải cho "bài toán" vô sinh hiếm muộn rất khả quan. Điều này giúp phụ nữ vừa thoát khỏi gánh nặng tâm lý, vừa được hưởng hạnh phúc làm mẹ.
Vào lúc 20h ngày 13/12, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến "Tết đón con yêu - Điều trị toàn diện vô sinh ở nữ giới". Chương trình được phát trên fanpage VnExpress với sự tham gia của các chuyên gia vô sinh hiếm muộn thuộc IVFTA nhằm nâng cao nhận thức và giúp các cặp vợ chồng hiếm muộn tiếp cận các phương pháp mới và hiệu quả trong điều trị vô sinh, giúp đón con yêu vào mùa xuân này. Độc giả có thể gửi câu hỏi tại đây. |
Thanh Ba