Anh Huệ điều trị nội khoa ba năm không khỏi nên đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám. Kết quả chụp MRI 3 Tesla cho thấy cột sống cổ tại tầng C5-C6 và C6-C7 bị lồi đĩa đệm lan tỏa, kích thước khoảng 4 mm, phì đại khớp liên mấu, chèn ép mặt trước bao màng cứng, hẹp lỗ liên hợp, chèn ép rễ thần kinh C6 hai bên và C7 bên trái. Đồng thời, phức hợp gai xương đĩa đệm bên trái làm hẹp lỗ liên hợp tại tầng C3-C4.
Ngày 8/10, bác sĩ Phan Vân Đình, chuyên khoa Phẫu thuật Thần kinh, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết sức cơ tay của anh Huệ giảm đáng kể. Người bệnh cần được phẫu thuật sớm, nếu trì hoãn tình trạng tê yếu ngày càng tăng nặng, lâu hơn dẫn đến teo cơ, khó hồi phục. Khối thoát vị chèn ép làm hẹp ống sống. Nếu gặp chấn thương tại vùng này, người bệnh có nguy cơ tổn thương tủy không phục hồi.
Êkíp phẫu thuật thần kinh rạch da, mở đường mổ trước cổ người bệnh khoảng 5 cm và sử dụng hệ thống kính vi phẫu thế hệ mới K.Zeiss Kinevo 900 có chức năng chụp huỳnh quang 3D để tiếp cận, loại bỏ nhân đệm bị hư, thay đĩa đệm nhân tạo. Sau đó dùng máy mài chuyên dụng để xử lý hết phần chồi xương, giải phóng chèn ép, tạo điều kiện cho tủy sống cổ phục hồi.
Người bệnh có chồi xương khá sâu và dính chặt vào màng cứng. "Nếu sơ suất nhỏ trong quá trình mài xương dễ dẫn tới dập tủy hoặc rách màng cứng, gây dò dịch não tủy, nguy cơ biến chứng viêm não, viêm màng não sau mổ", bác sĩ Đình nói.
Trong hai giờ, êkíp xử lý hết nhiều tổn thương ở các đốt sống cổ, không gây tổn thương tủy sống hoặc màng cứng, bảo tồn đủ các chức năng thần kinh cho người bệnh.
Hậu phẫu, sức khỏe người bệnh hồi phục tốt, không biến chứng. Vết mổ sạch, khô, không nhiễm trùng, không xuất huyết. Sau ba ngày, sức cơ của anh Huệ hồi phục, có thể vận động gần như bình thường.
Thoát vị đĩa đệm là tình trạng một hoặc nhiều đĩa đệm bị hư hỏng, trượt ra khỏi vị trí ban đầu, dẫn đến chèn ép tủy sống hoặc các dây thần kinh trong ống sống. Người bệnh nên tái khám thường xuyên và tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp hoặc phẫu thuật thần kinh - cột sống.
Người bệnh thoát vị đĩa đệm có thể điều trị bằng biện pháp bảo tồn như dùng thuốc, nghỉ ngơi, tập vật lý trị liệu, massage, đeo đai cột sống... Trường hợp bệnh nặng, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật, tránh để lâu gây biến chứng.
Trường Giang
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để được bác sĩ giải đáp |