Sự việc tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông xảy ra sự cố bất ngờ về tín hiệu khiến các đoàn tàu không thể hoạt động tại ga Cát Linh trong hơn 30 phút chiều tối 7/12 đã khiến không ít người hoang mang về tính an toàn của dự án chỉ vừa mới được đưa vào hoạt động chính thức cách đây không lâu này. Để rồi sau đó, tất cả mới ngã ngửa khi được thông báo rằng đây chỉ là tình huống diễn tập. Một "sự cố" cười ra nước mắt với cả hành khác lẫn đơn vị khai thác.
Theo lời giải thích của Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội), việc diễn tập này nhằm đảm bảo yếu tố bất ngờ cho thử nghiệm, sát với tình huống khẩn cấp có thể gặp trong thực tế. Vị này còn thông báo sắp tới tuyến metro Cát Linh - Hà Đông sẽ có thêm những tình huống diễn tập sự cố bất ngờ, không báo trước cho hành khách tương tự. Nghe những lời giải thích này, là một người dân Hà Nội, tôi chỉ biết bật cười ngán ngẩm.
Thực tế, trong một số lĩnh vực, pháp luật có những quy định về việc diễn tập để ứng phó với nguy cơ sự cố, tai nạn xảy ra. Ngay cả khi diễn tập phòng cháy chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn, lực lượng chức năng cũng đều phải có lịch và thông báo trước cho những người vô tình tham gia để có sự chuẩn bị trước về tâm lý, tránh những sự cố ngoài ý muốn có thể xảy ra.
Bản thân tôi cũng không biết trong các văn bản pháp luật, có điều luật nào cho phép dùng người dân để diễn tập không báo trước như vậy hay không? Tôi cũng chưa thấy một quốc gia nào tổ chức diễn tập bất thình lình như vậy. Đặt một giả thuyết, nếu không may trong quá trình diễn tập, xảy ra một sự cố ngoài ý muốn, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của người dân như có người lên cơn đau tim, chen lấn xô đẩy, hay ai đó vì quá hoảng loạn mà nhảy ra khỏi tàu, ngã xuống đường... thì ai sẽ chịu trách nhiệm?
>> Có gì bất thường khi tàu Cát Linh - Hà Đông vắng khách?
Nói chung, sẽ có muôn vàn các sự cố, tai nạn không lường trước có thể xảy ra trong thực tế. Thế nên, việc diễn tập không báo trước có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của những người tham gia. Không thể lấy lý do đảm bảo yếu tố bất ngờ để biện minh cho việc làm sơ suất đó. Những người mua vé đi tàu kia hoàn toàn có quyền từ chối tham gia diễn tập, không ai được phép ép buộc họ phải "phụ diễn". Thông báo trước chính là một hành động thể hiện sự tôn trọng với hành khách đi tàu, không thể bỏ qua.
Tôi cũng là một hành khách lớn tuổi thường xuyên đi trên chuyến tàu này. May mắn, tôi chưa gặp phải tình huống diễn tập nào như vậy. Nhưng chẳng ai dám chắc ngày mai, ngày kia, hay một hôm xấu trời nào đó, tôi lại được thông báo tàu gặp sự cố, dừng giữa đường như vậy. Với tiền sử bệnh tim mạch, huyết áp, mắt mờ, chân chậm, không biết tôi có còn đủ tỉnh táo và bình tĩnh để ứng phó hay không? Nghĩ đến thôi đã thấy mệt mỏi rồi.
Theo tôi, đơn vị quản lý cần dừng ngay hoạt động diễn tập không báo trước thế này. Một mặt để đảm bảo an toàn, tính pháp lý cho hoạt động này, tránh gây ra những hậu quả đáng tiếc về con người; mặt khác thể hiện sự tôn trọng với hành khách đi tàu như chúng tôi. Trên tất cả, người dân cần được trao quyền quyết định có muốn tham gia diễn tập hay không và phải được đảm bảo tham gia một các chủ động chứ không phải bị đưa ra thí nghiệm như vậy.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.