Ngày 15/12, ông Vũ Hồng Trường, Giám đốc Metro Hà Nội, cho biết theo khuyến cáo của Tư vấn độc lập ACT (Pháp) trong năm đầu khai thác thương mại, quá trình vận hành đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông nên diễn tập những tình huống có thể xảy ra trong vận hành. "Khi diễn tập sự cố thì ngay cả Metro Hà Nội cũng không được thông báo trước, việc này do cơ quan nhà nước kích hoạt bất ngờ để kiểm tra phản ứng của đơn vị vận hành", ông Trường nói.
Tháng 4/2021, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được Tư vấn độc lập ACT (Pháp) cấp chứng nhận an toàn hệ thống; trong 166 quy trình vận hành có đưa ra 63 tình huống sự cố giả định. Trong quá trình vận hành thử đợt tháng 12/2020, các đơn vị liên quan đã diễn tập đủ 63 tình huống, nhưng lúc đó không có hành khách.
"Quá trình vận hành thương mại khác với trước là có hành khách. Việc không báo trước chỉ là thời điểm xảy ra diễn tập, còn kịch bản các sự cố như thế nào, các bên đều đã nắm được hết chứ không phải muốn làm thế nào thì làm", ông Trường nói thêm.
Giám đốc Metro Hà Nội khẳng định "việc diễn tập không ảnh hưởng tới tính mạng hay an toàn của hành khách đi tàu". Ông cho hay "tình huống diễn tập có thể xảy ra bất ngờ, nhưng chúng tôi sẽ thông báo cho hành khách ngay sau đó". Lúc này, Metro Hà Nội sẽ huy động xe buýt chuyển hành khách tới một ga khác gần nhất để tiếp tục di chuyển, hoặc có thể trả lại tiền vé.
Trước đó tối 7/12, tàu điện Cát Linh - Hà Đông lần đầu tiên diễn tập phản ứng với sự cố kể từ khi tuyến đường sắt này được đưa vào khai thác thương mại. Tình huống diễn tập là lỗi tín hiệu xảy ra ở máy đếm trục tín hiệu ga Cát Linh. Lúc này trên tàu có khoảng 40 hành khách. Ga Cát Linh phải đóng cửa hơn 30 phút để khắc phục sự cố, trong khi nhiều hành khách được "phen hú vía".
Anh Nguyễn Mạnh Cường (quận Thanh Xuân) cho rằng tàu đang vận hành bình thường mà diễn tập, không thông báo trước cho hành khách có thể ảnh hưởng tới quá trình di chuyển cũng như công việc của họ. "Đang có việc gấp mà gặp đúng lúc diễn tập sẽ rất bực mình", anh Cường chia sẻ.
Còn chị Phạm Thanh Thúy (quận Hà Đông), một trong những hành khách thường xuyên của tàu Cát Linh - Hà Đông, nói "không hy vọng gặp phải những tình huống diễn tập, theo tôi nên thông báo trước để hành khách chuẩn bị sẵn tâm lý; nếu bất ngờ nhỡ có ai hoảng quá hành động liều lĩnh thì không biết ai chịu trách nhiệm".
Dưới góc nhìn chuyên gia, TS Nguyễn Quang Toản, nguyên Chủ nhiệm bộ môn đường bộ, Trường Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội, nói việc diễn tập các sự cố không báo trước cho hành khách "về mặt chuyên môn là bình thường, vì diễn tập thì phải làm như thật, xem phản ứng của hành khách như thế nào và xử lý của đơn vị vận hành ra sao".
Theo ông Toản, "nếu thông báo trước sẽ trở thành báo động giả và đơn vị quản lý cũng như vận hành không rút ra được kinh nghiệm gì".
Trong khi đó, TS Phan Lê Bình, chuyên gia quy hoạch giao thông, lại cho rằng việc tàu đang chở hành khách mà tổ chức diễn tập là không hợp lý. "Tôi đã sống và làm việc tại Nhật gần 30 năm, thường xuyên sử dụng các phương tiện công cộng, song ở Nhật tuyệt đối không có những tình huống diễn tập kiểu như đường sắt Cát Linh – Hà Đông đang làm", ông Bình nói.
"Ở Nhật, mọi diễn tập nếu có đều được báo cho người dân cả tuần. Tôi không bàn đến quy trình vận hành, nhưng tại sao Metro Hà Nội không dùng cán bộ, nhân viên của đơn vị và nếu thiếu người thì mượn thêm từ bên xe buýt... để diễn tập vào thời điểm mà tàu không còn hành khách, như sau 22h chẳng hạn", ông Bình góp ý.
Tuyến metro Cát Linh - Hà Đông vận hành thương mại từ ngày 6/11; sau 15 ngày miễn phí cho khách trải nghiệm, bắt đầu mở bán vé từ 21/11.
Thống kê đến ngày 5/12 của Metro Hà Nội cho biết trong thời gian khai thác thương mại, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã chạy 3.045 chuyến tàu an toàn, vận chuyển 239.954 lượt hành khách. Về tỉ lệ phân bổ hành khách, ga Cát Linh đạt cao nhất với 33,2%, ga Yên Nghĩa 17,3%. 10 ga còn lại chiếm 49,5% lượng khách.
Phạm Chiểu