Vậy là sau 10 năm chờ đợi, sáng 6/11, tuyến tàu điện Cát Linh - Hà Đông cuối cùng đã chính thức bắt đầu vận hành thương mại. Là một người dân của thủ đô Hà Nội, tôi vô cùng vui mừng trước sự kiện này. Bỏ qua những vết gợn mà người ta vẫn hay nói như dự án bị kéo dài, đội vốn này kia, tôi tin việc đưa tuyến tàu điện trên cao đầu tiên của Việt Nam vào vận hành là một tín hiệu vui, bước tiến lớn với giao thông của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.
Cá nhân tôi là một người thường xuyên di chuyển qua cung đường này nên hiểu hơn ai hết những bất cập của giao thông nơi đây, đặc biệt là vào giờ tan tầm. Và tôi chắc chắn sẽ ủng hộ tuyến tàu điện Cát Linh - Hà Đông bằng việc bỏ xe máy để sử đi tàu mỗi ngày, dù bản thân sẽ phải đi bộ thêm gần hai km chiều đi (một km đi từ nhà đến ga lên, và quãng đường tương tự từ ga xuống đến công ty) và hai km chiều về.
So với việc đi xe máy chịu cảnh tắc đường, khói bụi, ô nhiễm, tai nạn, ngồi tàu điện kết hợp đi bộ vừa an toàn, mát mẻ, vừa nâng cao sức khỏe bản thân. Những hôm trời mưa, tôi có thể chọn đi thêm xe buýt, vô cùng tiện lợi. Xét cho cùng, ngay cả ở những nước phát triển, người ta cũng vẫn đi bộ mỗi ngày để sử dụng xe buýt, tàu điện đó thôi.
Trực tiếp trải nghiệm đi tàu ngày đầu khai trương, so sánh với những lần từng đi tàu điện ở châu Âu, tôi cảm thấy tuyến tàu Cát Linh - Hà Đông chạy tương đối êm, các thiết bị, dịch vụ đi kèm khá tiện lợi cho người sử dụng, tàu mới nên sạch sẽ và tiện nghi. Điều tôi lo ngại là liệu sau một thời gian sử dụng, tàu có trở nên nhếch nhác do thói quen thiếu ý thức của người sử dụng như với xe buýt hay không?
Sẽ chẳng ai muốn đi phương tiện công cộng khi nó đầy rác, bẩn thỉu, mất vệ sinh cả. Thế nên muốn giao thông công cộng phát triển, bên cạnh việc liên tục cải tiến chất lượng phương tiện, cơ sở hạ tầng, còn rất cần sự chung tay giữ gìn, nâng cáo ý thức trách nhiệm, tự giác của mỗi người dân.
>> 'Chờ giao thông công cộng thuận tiện đến bao giờ'
Với giá vé khoảng 100.000 - 200.000 một tháng như công bố, tôi cho rằng đây là mức hợp lý, nếu như không muốn nói là rẻ hơn so với đi xe cá nhân. Vấn đề còn lại chỉ là chất lượng dịch vụ có được đảm bảo thường xuyên, tránh xuống cấp hay không mà thôi.
Nói tóm lại, việc tuyến tàu điện Cát Linh - Hà Đông đi vào vận hành chính thức là tiền đề để giao thông công cộng phát triển. Nếu hoàn thành cách tuyến còn lại để kết nối; tiến tới đánh thuế phí các phương tiện cá nhân; nâng cấp hạ tầng giao thông công cộng; liên kết với các doanh nghiệp, trường học để có chính sách hỗ trợ nhân viên, học sinh, sinh viên sử dụng tàu điện; mở các dịch vụ kinh doanh, giải trí đi kèm... tôi tin chúng ta sẽ có thể thay đổi thói quen đi xe cá nhân của người Việt, dần dần từng bước hình thành thói quen sử dụng phương tiện công cộng.
Có câu "Thành Roma không được xây dựng trong một đêm". Thế nên, dù có chậm trễ, nhưng tôi vẫn tin vào thành công và những tác động tích cực của dự án này. Mong rằng người Việt thay vì ngồi nhà chỉ trích, hãy cùng đứng dậy, tận hưởng những tiện ích mà tuyến tàu điện này mang lại và chung tay phát triển giao thông công cộng của nước nhà.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (tuyến 2A) dài 13 km, có tổng mức đầu tư ban đầu năm 2008 là 8.769 tỷ đồng (tương đương 552,8 triệu USD). Đến năm 2016, tổng vốn đầu tư tăng lên 18.000 tỷ đồng (khoảng 868 triệu USD). Dự án sử dụng vốn vay của chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.