Từ ngày 21/11, tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông chính thức mở bán vé. Hình ảnh từng hàng dài người xếp hàng trải nghiệm tàu điện trên cao không còn nữa, thay vào đó là cảnh thưa thớt người đi tàu. Có thời điểm, khu vực sảnh chờ chỉ có nhân viên nhà ga, lượt lên đông nhất không quá 30 người. Hiếm khi cả năm toa tàu được lấp đầy hành khách. Qua mỗi ga, đoàn tàu chỉ đón thêm khoảng 6-7 người. Trong khi trước đó, lúc vận hành miễn phí, mỗi ngày tàu Cát Linh - Hà Đông vận chuyển bình quân 25.300 khách, ngày cuối tuần khoảng 38.000.
Nhìn những hình ảnh tàu điện vắng khách, tôi thấy nhiều người bắt đầu hoài nghi về khả năng tồn tại và phát triển của phương tiện công cộng này. Đâu đó có người mỉa mai rằng: "Khi đi tàu không còn miễn phí nữa, chẳng ai còn ham hố lên trải nghiệm, check-in đăng Facebook, tàu điện sẽ lại chìm vào quên lãng như xe buýt hay BRT mà thôi". Cá nhân tôi không đồng tình với quan điểm này và xin nêu ra một vài luận điểm sau:
Thứ nhất, xét về mặt lộ trình di chuyển ngắn từ Hà Đông đến Cát Linh và ngược lại, phải khẳng định rằng đối tượng phục vụ của tuyến đường sắt này không phải là tất cả người Hà Nội. Chỉ những ai di chuyển qua cung đường trên mới có nhu cầu sử dụng tàu điện. Thực tế, cung đường này đi qua rất nhiều trường đại học như Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Xã hội nhân văn (Đại học quốc gia Hà Nội), Đại học Hà Nội, Đại học Kiến trúc.... Thế nên, một trong những đối tượng phục vụ lớn nhất của tàu điện Cát Linh - Hà Đông chính là lực lượng sinh viên Đại học.
Tuy nhiên, thời điểm này, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 bùng phát, các trường đại học vẫn cho sinh viên học online, nên chuyện tàu vắng khách cũng là điều dễ hiểu. Tôi tin rằng, sau khi các trường đại học mở cửa trở lại, lượng sinh viên từ các tỉnh đổ về, tàu điện trên cao sẽ là phương án thay thế xứng đáng, giúp giảm tải cho xe buýt - vốn đã quá tải trên cung đường này vào giờ cao điểm.
>> Tôi cho tàu điện Cát Linh - Hà Đông 7,5 điểm
Thứ hai, việc xây dựng tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông là nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân khu vực rìa thành phố (Hà Đông) vào khu vực trung tâm (Cát Linh) để đi làm, đi học buổi sáng và theo chiều ngược lại vào buổi chiều tối. Thế nên không thể đòi hỏi cả hai chiều phải đông kín khách cả ngày được. Nhiều người ra ngó tàu tiện chiều Cát Linh - Hà Đông vào buổi sáng thấy vắng hoe nên lên mạng nói rằng tàu sẽ "chết yểu". Đó là lập luận rất thiếu cơ sở vì chẳng mấy ai đi từ nội thành ra ngoại thành vào giờ sáng cả, nhất là khi các cơ quan, doanh nghiệp chủ yếu vẫn nằm trong nội thành.
Nhà tôi gần ga Cát Linh, thầy lượng khách đi tàu vào giờ tan tầm buổi chiều vẫn rất ổn định. Cho thấy nhu cầu đi lại của người dân là có. Chỉ cần khi các tuyến khác được hoàn thiện và kết nối với nhau, tôi tin lượng khách đi tàu sẽ còn được cải thiện hơn nhiều.
Thứ ba, một số người lo ngại rằng, lượng khách thưa thớt sẽ khiến thời gian hoàn vốn của dự án tàu điện này bị kéo dài rất lâu, thậm chí còn lỗ nặng. Vấn đề này, có lẽ chúng ta cần nhìn lại về mục đích của việc phát triển giao thông công cộng. Không một quốc gia phát triển nào trên thế giới coi giao thông công cộng là hình thức đầu tư kiếm lời. Nói cách khác, đã là giao thông công cộng thì chỉ nên đặt lợi ích giảm tắc đường, giảm ô nhiễm lên trên hết, đừng bàn chuyện lỗ lãi ở đây. Các thành phố hoàn toàn có thể trợ giá cho loại hình giao thông này, để đổi lại là kinh tế được phát triển, môi trường sạch sẽ, giảm thiểu lãng phí thời gian di chuyển do kẹt xe...
>> Cơn khát tàu điện Cát Linh - Hà Đông
Thứ tư, tôi cũng thấy nhiều người phàn nàn việc thiếu chỗ gửi xe máy, ôtô khi đi tàu điện. Chuyện này hết sức nực cười. Tôi từng đi tàu điện Metro ở nhiều nước trên thế giới, nhưng tuyệt nhiên chẳng thấy có chỗ gửi xe cá nhân cho người đi tàu. Đơn giản vì đã là giao thông công cộng thì phải kết hợp đi bộ với xe búyt, tàu điện... Chứ nhiều người Việt vẫn còn mang tư tưởng đi xe cá nhân đến gửi ở ga, rồi đi tàu một đoạn vậy thì còn nghĩa lý gì nữa?
Muốn giao thông công cộng ở ta sống khỏe và phát triển, trước hết người Việt cần phải bỏ ngay tư tưởng dùng xe máy, ôtô ra khỏi đầu và học cách đi bộ nhiều hơn. Đừng vì một số cản trở trước mắt như thời tiết, hoàn cảnh mà bàn lùi, điều đó chỉ kéo tụt đường sống của giao thông công cộng mà thôi.
Tóm lại, với chất lượng dịch vụ ở mức tốt, cộng thêm giá vé hợp lý cùng những tiện ích, hiệu quả rõ rệt về giao thông và môi trường, tôi tin tàu điện sẽ có chỗ đứng nhất định trong xã hội. Đó sẽ là tiền đề để giao thông công cộng tại Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung được coi trọng và phát triển xứng đáng.
Hoài Thu
>> Bạn có sẵn sàng sử dụng tàu điện trên cao Cát Linh - Hà Đông? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.