Ông Đông từng được mổ lấy sỏi thận hơn 20 năm trước. Gần đây, ông đau tức vùng lưng, lan xuống bụng dưới, nhất là khi leo cầu thang, xách vật nặng, đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám.
Ngày 1/11, Ths.BS Nguyễn Tân Cương, Phó khoa Tiết niệu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, cho biết thận trái bệnh nhân có viên sỏi khoảng 2,5 x 3,4 cm nằm ở khúc nối và bể thận, gây tắc nghẽn, khiến thận ứ nhiều nước. Ngoài ra, sẹo mổ cũ khá rõ ràng, dài 10 cm, tiên lượng phẫu thuật khó khăn do xơ dính.
"Phương án điều trị phù hợp nhất là nội soi tán sỏi qua da, vừa lấy sạch sỏi trong một lần phẫu thuật vừa tránh được mổ mở", bác sĩ Cương nói.
Dưới sự hướng dẫn của máy siêu âm, hệ thống máy C-arm với cánh tay X-quang, vị trí sỏi được định vị chính xác. Bác sĩ rạch một đường nhỏ phía hông lưng trái, đường kính khoảng 0,6 cm, xuyên một cây kim nhỏ từ ngoài vào thận cho đến khi nước tiểu chảy ra. Qua đó, tạo một đường hầm đi xuyên qua các thành bụng, vào bể thận để tiếp cận sỏi. Thông qua đường hầm, phẫu thuật viên đưa ống soi vào thận để quan sát. Sỏi được nhanh chóng tán vỡ thành nhiều mảnh nhỏ bằng tia laser năng lượng cao và lấy ra ngoài.
Bác sĩ Cương cho biết bệnh nhân bị xơ dính nhiều ở vết mổ cũ nên quá trình nong tạo đường hầm khó khăn hơn. Một số trường hợp phải sử dụng que nong bằng kim loại mới qua được thành bụng. Sau hai giờ phẫu thuật, kiểm tra qua C-arm, bác sĩ không còn thấy viên sỏi.
Theo bác sĩ Cương, trước đây, với sỏi san hô kích thước lớn, người bệnh thường phải mổ mở, vết rạch da dài hơn 10 cm, cắt cân cơ thành bụng. Một số trường hợp phải xẻ nhu mô thận mới tiếp cận được sỏi. Sau mổ, vùng quanh thận bị tổn thương sẽ hình thành sẹo xơ dính. Nếu sỏi tái phát, những lần phẫu thuật sau khó khăn, nguy cơ chảy máu, tổn thương cơ quan lân cận...
Tán sỏi qua da là phương pháp điều trị sỏi thận ít gây tổn thương thận, hiệu quả cao, tỷ lệ sạch sỏi lên tới 90-100%, người bệnh ít đau, hồi phục nhanh. Kỹ thuật này thường được thực hiện cho trường hợp sỏi thận lớn trên 2 cm, sỏi phức tạp và sỏi san hô. Phương pháp này cũng phù hợp với những người từng phẫu thuật thận hoặc mổ mở lấy sỏi thận. Tuy nhiên, tán sỏi qua da có thể xảy ra vài biến chứng như chảy máu thận, nhiễm khuẩn.
Sỏi tiết niệu hình thành do sự kết tinh tự nhiên của các tinh thể vô cơ trong nước tiểu. Sỏi tiết niệu có thể gặp ở bất kỳ vị trí nào trong đường tiểu như thận (sỏi thận), niệu quản (sỏi niệu quản), bàng quang (sỏi bàng quang) và niệu đạo (sỏi niệu đạo) nam giới.
Nếu không điều trị kịp thời, sỏi tiết niệu có thể gây ra biến chứng nguy hiểm như suy giảm chức năng thận, nhiễm khuẩn ở thận, thậm chí đe dọa tính mạng. Do đó, khi có dấu hiệu tiểu ra máu, tiểu buốt, bí tiểu, nước tiểu đục, đau lưng hông dữ dội hoặc âm ỉ dài ngày..., người bệnh đến bệnh viện có chuyên khoa tiết niệu để được chẩn đoán. Tùy theo vị trí, kích thước sỏi và tình trạng sức khỏe người bệnh, bác sĩ sẽ tư vấn phương án điều trị phù hợp.
Đức Thắng - Anh Thư
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi