Phương pháp mổ nào ít đau, hết sỏi và nhanh khỏe? (Hà My, 38 tuổi, Vĩnh Long)
Trả lời:
Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị sỏi thận. Tùy theo kích thước, vị trí sỏi, sức khỏe mỗi người bệnh, bác sĩ đưa ra cách điều trị phù hợp. Chị nên đến cơ sở y tế uy tín để bác sĩ chẩn đoán và tư vấn phương pháp tốt nhất. Ba phương pháp sau được áp dụng phổ biến vì ít xâm lấn, hạn chế đau và nhanh hồi phục.
Tán sỏi ngoài cơ thể gần như không đau vì không cần rạch da, không xâm lấn vào cơ thể. Bác sĩ đặt máy tán sỏi sát cơ thể, dùng sóng xung kích xuyên thấu qua các mô mềm, hội tụ và phá vỡ viên sỏi thành những mảnh nhỏ. Các mảnh sỏi vụn tự đào thải qua đường tiểu. Loại sóng này ít làm tổn thương mô tạng khác.
Khi tán sỏi ngoài cơ thể, người bệnh không cần nhập viện, chỉ cần làm một số xét nghiệm đơn giản, có thể ra về ngay sau phẫu thuật. Thời gian tán sỏi khoảng 40-60 phút, tỷ lệ thành công 60-70%.
Tuy nhiên, phương pháp này chỉ ưu tiên cho sỏi có kích thước dưới 2 cm, có độ cứng đo trên phim cắt lớp vi tính dưới 900 (tức là không quá cứng). Đồng thời đường tiểu của người bệnh không được bế tắc (niệu quản không hẹp, không mắc sỏi). Với sỏi cứng, kích thước lớn chưa vỡ hết trong lần tán đầu tiên, để sạch sỏi hoàn toàn, người bệnh có thể phải thực hiện nhiều lần.
Tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser sử dụng ống soi cứng hoặc ống soi mềm đi từ đường tiểu dưới đi ngược lên hệ tiết niệu để tiếp cận sỏi. Phẫu thuật viên dùng năng lượng laser để phá sỏi, sau đó gắp lấy hết mảnh sỏi vỡ ra ngoài hoặc tán mịn sỏi như cát để vụn tự đào thải qua đường tiểu. Đây là phương pháp điều trị sỏi tiết niệu ít xâm lấn nên đau không đáng kể, hiệu quả cao.
Tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser có hai loại là dùng ống soi cứng đối với sỏi niệu quản, ống soi mềm đối với sỏi thận. Người bệnh không cần trải qua cuộc mổ mở nhưng vẫn giải quyết được sỏi có kích thước dưới 2,5 cm, tỷ lệ sạch sỏi khoảng 80-90%. Phương pháp này cũng ít biến chứng, bảo tồn tối đa chức năng thận, người bệnh phục hồi nhanh và có thể xuất viện sau 24 giờ sau mổ.
Nhược điểm của kỹ thuật này là không áp dụng được với bệnh nhân hẹp niệu đạo hoặc đang viêm nhiễm đường niệu. Thời gian tán sỏi kích thước trên 2 cm thường kéo dài (khoảng hai giờ), phẫu thuật viên phải có kinh nghiệm. Giá thành cao của ống soi mềm cũng là yếu tố bất lợi.
Tán sỏi qua da được thực hiện với một đường rạch da nhỏ 0,5-1 cm phía hông lưng người bệnh, từ đó phẫu thuật viên nong tạo đường hầm vào thận dưới hướng dẫn của siêu âm hoặc X-quang. Một ống soi kích thước nhỏ được đưa vào đường hầm để vào thận và tiếp cận trực tiếp sỏi, tán sỏi bằng tia laser. Mảnh sỏi vỡ sau đó được hút ra ngoài.
Phương pháp này cũng có ưu điểm ít gây đau vì đường rạch da nhỏ, ít gây tổn thương mô dưới da, tỷ lệ sạch sỏi trên 90%, thời gian tán nhanh, thường được chỉ định để lấy sỏi kích thước lớn. Người bệnh thường xuất viện 24-48 giờ sau mổ.
Nhược điểm của phương pháp là do tạo đường hầm trực tiếp xuyên qua nhu mô thận nên đôi khi tổn thương mạch máu thận gây chảy máu dữ dội, có thể phải can thiệp bằng tắc mạch để cầm máu. Một số người bệnh có thể có cảm giác đau kéo dài. Những trường hợp này thường tự hết sau vài tuần.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trường Hoan
Khoa Tiết niệu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả có thắc mắc về bệnh thận gửi câu hỏi tại đây |