Trước vụ việc "Tàu dừng khẩn cấp để khách phố cà phê kịp 'sơ tán'", nhiều độc giả VnExpress cho rằng cần sớm dẹp bỏ việc vi phạm hành lang an toàn đường sắt và đưa hoạt động kinh doanh này tuân thủ đúng pháp luật:
Dẹp bỏ thì kêu bảo tồn phát triển du lịch, còn không dẹp thì dừng được lần này còn những lần khác thì sao? Đến khi xảy ra chuyện thì các anh hùng bàn phím kêu gọi truy cứu trách nhiệm, rồi xin chia buồn nạn nhân, gia đình lúc đó thì gào khóc, trách ai đây? Trách cái tội sống ảo check-in hay sao? Luật là luật, cứ thế mà làm, không có gì phải bàn cãi ở đây cả, vi phạm hành lan an toàn đường sắt thì cứ dẹp hết, tốc độ cho phép ra sao cứ chạy như vậy. Không thể vì tiền, vì sống ảo mà làm chậm trễ công việc của bao nhiêu người khác trên tàu được.
Kinh tế chẳng biết đi lên được bao nhiêu nhờ mấy quán cóc này? Không may xảy ra tai nạn thì trước mắt là ảnh hưởng đến bao nhiêu người, chưa kể kinh tế.
Tôi đang sống ở Đài Loan, tuyến tàu Ruyfang qua Shifen (Thập Phần) giờ coi như tuyến tàu du lịch rồi, họ phát triển một phần để đi lại, một phần chính vì du lịch, tốc độ tàu không cao và giờ luôn cố định. Còn tuyến tàu ở Hà Nội thì khác hẳn, đó có thể coi là tàu liên tỉnh, vừa có mục đích di chuyển lẫn vận chuyển hàng hóa. Không thể so sánh giữa hệ thống tàu du lịch Shifen với hệ thống tàu vận tải Hà Nội được.
Mà thực ra toàn Tây "ba lô" với thanh niên quán cóc, tạo ra bao nhiêu giá trị kinh tế đâu mà cái gì cũng đòi bảo tồn, phát triển. Trông nhếch nhác, tạo ấn tượng chỉ có với các nước chậm phát triển, nghèo đói.
Các nước phát triển không cho phép kinh doanh sát bên và ngay trên đường tàu xe lửa cả. Chỉ các nước đời sống người dân còn nghèo và lạc hậu mới cho phép điều đó. Vừa nhếch nhác vừa thiếu văn minh.
Từ trước đến giờ, khu vực nhà dân ở hai bên đã là vi phạm hành lang an toàn của đường sắt, nhưng cơ qua chức năng chưa thể xử lý được, người dân vẫn sống bình thường vì lượng người ít và đã quen giờ tàu chạy nên không xảy ra vấn đề nghiêm trọng. Nếu để khu vực này phát triển theo hiện trạng bây giờ, hàng quán mọc lên như nấm, xây dựng sát ngay vào đường tàu thì vi phạm lại chồng vi phạm, biển cấm ở đầu chắn tàu (đại diện của luật pháp) không còn tác dụng, vậy là coi thường luật pháp. Thế thì đúng hay sai?
Nay du lịch phát triển đột ngột, khách lạ và tò mò quá đông (nhìn ảnh và thực tế như trẩy hội, trải nghiệm theo kiểu đứng sát đường tàu, có tránh được cảnh tàu đang chạy qua, người đông xô đẩy nhau ngã cả đám về hướng tàu hoả, rồi cảnh những ban công cafe cũng dựng sát đường khi tàu chạy qua, liệu ban công có chịu được sức nặng khi mọi người đổ xô nhoài người ra chụp ảnh rồi xảy ra sự cố....? Lúc chuyện lớn xảy ra rồi mới rút kinh nghiệm, giá như....
Làm liều, kiếm ăn được, không bị cấm là đua nhau làm bất chấp, rồi viện cớ này nọ. Trước hết phải dẹp bỏ theo quy định pháp luật. Sau đó, nghiên cứu tổ chức lại hoạt động kinh doanh này sao cho an toàn, hiệu quả, phù hợp quy định pháp luật.
Xem nhiều trong ngày:
> Giáo viên đánh học sinh có thể tạo ra thế hệ 'lì lợm'
> 'Đêm ở Đài Loan đáng sống như ngày'
> 'Cha mẹ thành giáo viên khi sách giáo khoa thiếu hệ thống'
> 'Lương dưới 10 triệu đồng đừng vội cưới'
> Xếp loại bằng đại học như một 'bản án học lực'
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.