Đầu tháng một, anh Hoàng Văn Quang (59 tuổi, Đắk Lắk) được bác sĩ chỉ định nội soi gắp chiếc tăm tre đâm thủng hành tá tràng (đoạn đầu tiên của tá tràng, nơi tiếp nhận thức ăn từ dạ dày để đưa xuống ruột non và có hình dáng giống củ hành). Hiện tại, sức khỏe của anh ổn định, cần theo dõi và điều trị sỏi niệu quản do mắc bệnh từ trước đó.
Anh Quang kể lại, vào khoảng tháng 11, anh cảm thấy đau bụng bên phải, có lúc âm ỉ, lúc lại từng cơn. Tuy nhiên, do chủ quan, lại nghĩ chưa đến ngày hẹn mổ sỏi niệu quản nên anh trì hoãn đi khám. Khi cơn đau dữ dội, anh mới đến khoa Tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM.
Xem xét kết quả chụp CT, các bác sĩ phát hiện cây tăm hai đầu nhọn, chiều dài 6,5 cm cắm xuyên D3 tá tràng. Niêm mạc tá tràng xuất hiện tình trạng phù nề, sinh mủ.
TS.BS Phạm Hữu Tùng, Phó giám đốc Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết, biểu hiện đau bụng của bệnh nhân là do cây tăm tre đã đâm thủng tá tràng. May mắn là người bệnh chưa bị biến chứng nguy hiểm đến tính mạng. Sau 5 ngày điều trị kháng sinh, bệnh nhân hết đau bụng và xuất viện.
Bác sĩ Tùng cho biết thêm, trong thời gian qua, bệnh viện gặp rất nhiều trường hợp nuốt phải dị vật gồm cả tăm tre do thói quen bất cẩn. Người lớn thường nằm xỉa răng, ngậm tăm trong miệng... rồi vô tình nuốt vào bụng. Trẻ con bốc tăm cho vào miệng do nhặt tăm rơi vãi dưới sàn nhà do người lớn bất cẩn.
Ngoài tăm, bác sĩ còn phát hiện các dị vật sắc nhọn khác như kẽm gai, đầu kim... trong bụng khi nội soi thực quản, dạ dày, tá tràng. "Nhiều người còn có tâm lý chủ quan, dù biết nuốt phải tăm nhưng không đến bệnh viện mà nghĩ từ từ tăm sẽ tự tiêu. Tuy nhiên, tăm tre hay những dị vật trên không thể tự tiêu hủy. Khi nó di chuyển trong lòng ruột dễ gây ra nhiều hệ lụy", bác sĩ Tùng nói.
Nuốt phải dị vật có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như áp xe, viêm phúc mạc, rò tiêu hóa... thậm chí đe dọa tính mạng. Khi dị vật đã di chuyển trong lòng ruột thường có biểu hiện đau bụng ngày càng tăng, trong phân có lẫn máu, sốt, chướng bụng, nôn, chán ăn.
Người lớn, trẻ nhỏ cần nhai kỹ trước khi nuốt, không nên cười đùa, xem tivi, điện thoại... trong khi ăn. Người uống rượu bia không nên ngậm tăm, nhất là khi nằm để tránh nuốt phải dị vật. Nếu phát hiện nuốt phải dị vật, không nên dùng tay móc họng, tránh đẩy dị vật vào sâu hơn; không sử dụng các mẹo theo dân gian (như nuốt nắm cơm to cho trôi dị vật...) mà cần nhanh chóng đến ngay cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị kịp thời.
Trang Hoàng