Những người trẻ, cơ thể khỏe mạnh vẫn có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Alon Gitig, Giám đốc khoa tim mạch tại Mount Sinai Westchester ở Scarsdale, New York, Mỹ, cho biết, xây dựng thói quen khoa học hàng tuần giúp bảo vệ sức khỏe trái tim.
Ngày 1: Đi bộ nhanh trong 22 phút
Tiến sĩ Gitig cho rằng, 150 phút hoạt động thể chất với cường độ vừa phải mỗi tuần giúp giảm đáng kể nguy cơ đau tim. "Chia số đó cho 7, bạn sẽ có khoảng 21,4 phút, hoặc gần 22", ông lý giải cho việc mỗi người nên đi bộ nhanh trong 22 phút một ngày.
Mỗi người nên đảm bảo bản thân đi bộ đủ 22 phút, bạn vẫn có thể trò chuyện với một người bạn, nhưng đủ nhanh để không thể nói quá nhiều hoặc hát. Nếu bạn có thời gian để đi bộ nhiều hơn, điều đó tốt cho sức khỏe. Một nghiên cứu vào tháng 1/2022 trên tạp chí PLOS Medicine phát hiện ra rằng những người năng vận động nhất đã giảm hơn 50% nguy cơ mắc bệnh tim.
Ngày 2: Dừng thời gian sử dụng thiết bị một giờ trước khi đi ngủ
Ngủ đủ giấc rất quan trọng đối với sức khỏe tim mạch. Giấc ngủ bị suy giảm làm tăng nồng độ hormone gây căng thẳng cortisol, làm tăng huyết áp và tăng chứng viêm có hại cho tim. Bên cạnh đó, nếu bị thiếu ngủ và mệt mỏi, cơ thể cũng không có mức năng lượng để thực hiện một lối sống lành mạnh.
Theo Viện Y học Giấc ngủ Mỹ, ánh sáng xanh từ những màn hình thiết bị điện tử ức chế melatonin, một loại hormone cần thiết cho chu kỳ đánh thức giấc ngủ. Tiến sĩ Gitig nói: "Điều này có thể khiến bạn không cảm thấy buồn ngủ khi đi ngủ".
Ngày 3: Thay bánh mì buổi sáng bằng bột yến mạch phủ quả việt quất và hạnh nhân
Bột yến mạch là một lựa chọn tốt cho bữa sáng vì chứa nhiều chất xơ hòa tan, một loại chất xơ được chứng minh là làm giảm mức cholesterol-LDL (cholesterol có hại). Bởi vì yến mạch có lượng carb thấp hơn nên cũng sẽ giúp giữ cho lượng đường trong máu ổn định, do đó cơ thể không bị đói vào giữa buổi sáng.
Một nghiên cứu vào tháng 12/2019 về đột quỵ cho thấy rằng, thay thế một bữa sáng mỗi tuần bằng bột yến mạch thay vì bánh mì trắng có thể làm giảm nguy cơ đột quỵ. Phủ bột yến mạch với quả việt quất giàu anthocyanin, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Bạn cũng có thể thêm một ít hạnh nhân để có một số chất béo không bão hòa đơn có lợi cho tim.
Ngày 4: Ưu tiên thực phẩm có nguồn gốc thực vật
Ăn chay hoặc thuần chay tốt cho sức khỏe. Một nghiên cứu vào tháng 8/2019 trên Tạp chí của Hiệp hội Tim mạch Mỹ cho thấy chế độ ăn dựa trên thực vật có thể giảm gần 1/3 nguy cơ tử vong do bệnh tim.
Chế độ ăn chay có thể khó tuân theo. Mỗi người nên đặt mục tiêu dung nạp khoảng 75% thực phẩm có nguồn gốc thực vật trong chế độ ăn kiêng như trái cây, rau, hạt, quả hạch và ngũ cốc nguyên hạt.
Ngày 5: Thiền
Một nghiên cứu vào tháng 9/2020 trên Tạp chí Tim mạch Mỹ xem xét hơn 60.000 người và phát hiện ra rằng những người thường xuyên thiền ít gặp tình trạng cholesterol cao, huyết áp cao, tiểu đường, đột quỵ và bệnh tim so với những người không thiền.
Thiền giúp giảm căng thẳng, nguyên nhân lớn dẫn đến nguy cơ mắc bệnh tim. Căng thẳng làm tăng huyết áp và tăng tình trạng viêm nhiễm. Khi áp lực, mỗi người thường thở nông hơn, điều này làm tăng các hormone gây căng thẳng. Lúc này, bạn nên ngậm miệng lại và hít một hơi thật sâu bằng mũi (bạn có thể đặt tay lên bụng để cảm thấy bụng đầy không khí), sau đó từ từ thổi hết không khí ra ngoài qua miệng và cảm thấy bụng xẹp xuống.
Ngày 6: Gặp gỡ bạn bè
Trong những năm qua, nhiều nghiên cứu chỉ ra tầm quan trọng của các mối quan hệ xã hội khi nói đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Ví dụ, một nghiên cứu vào tháng 7/2019 đã theo dõi những người sau mãn kinh trong hơn một thập kỷ và phát hiện ra rằng tình bạn bền chặt và sự hỗ trợ xã hội giúp giảm nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch. Việc trò chuyện với những người bạn giúp chống lại căng thẳng, giúp ngăn chặn sự cô đơn.
Ngày 7: Hẹn gặp nha sĩ
Những người mắc bệnh nướu răng có tỷ lệ mắc bệnh tim (bao gồm đau tim và đột quỵ) cao hơn so với những người có nướu khỏe mạnh, theo Học viện Nha chu Mỹ.
Một giả thuyết cho rằng vi khuẩn gây bệnh nướu răng di chuyển đến các mạch máu khắp cơ thể, gây viêm và tổn thương mạch máu, tim. Hiệp hội Nha khoa Mỹ khuyên bạn nên đi khám nha sĩ ít nhất một hoặc hai lần một năm. Người bệnh nướu răng nên thăm khám thường xuyên. Hàng ngày, mỗi người nên chải răng và dùng chỉ nha khoa vệ sinh răng miệng.
Lê Nguyễn (Theo Livestrong)