Hôm nay (28/6), ThS.BS Đinh Thị Hiền Lê, bác sĩ Cao cấp Trung tâm Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh Hà Nội, cho biết, 3 bé trai chào đời với hai bé có cùng cân nặng 1.000 g và một bé nặng 490 g.
"Ôm 3 con khỏe mạnh, đối với gia đình, thực sự là kỳ tích", sản phụ Nguyễn Thu Thảo (33 tuổi, Hà Nội) cho biết sau quá trình giữ thai gian nan khiến chị phải đối diện với những quyết định khó khăn trong cuộc đời.

Êkip sản khoa của BVĐK Tâm Anh Hà Nội thực hiện mổ tam thai chung bánh rau. Ảnh: BVCC
Chị Thảo cho biết, 3 lần mang thai trước chị đều sinh thường an toàn ở tuần thai 39. Với mong muốn gia đình có thêm thành viên, vợ chồng chị quyết định thụ tinh trong ống nghiệm vì cả hai đã lớn tuổi. Chuyển một phôi duy nhất, chị mang tam thai chung bánh nhau và khác túi ối. "Đa thai kèm theo nhiều nguy cơ, ước tính mỗi thai làm giảm đi 3 tuần tuổi thai lúc sinh, tăng nguy cơ sinh non. Ở tam thai, tỷ lệ sinh cực non (dưới 32 tuần) và cực nhẹ cân (dưới 1.500 g) cao gấp 3 lần so với sinh đôi. Để hạn chế rủi ro, việc giảm thai là lựa chọn tối ưu", bác sĩ Hiền Lê cho biết.
Không ngoài dự đoán, đến tuần 16, một thai nhi bắt đầu có dấu hiệu chậm phát triển trong tử cung. Thai này lại nằm giữa hai thai khỏe mạnh còn lại. Nhau thai bám hoàn toàn vào mặt trước thành tử cung, gây khó khăn cho việc tạo đường tiếp cận để giảm thai nhi bị chậm phát triển. Bác sĩ Hiền Lê khuyên gia đình tạm thời giữ lại ba thai, theo dõi và chờ đến khi tử cung phát triển còn bánh nhau nhỏ lại.
Ở tuần tiếp theo, hội chứng truyền máu song thai giai đoạn 1 xuất hiện. Sự mất cân bằng nước ối khiến thai nhi chậm phát triển. Với trường hợp này, việc giảm thiểu thai bị chậm phát triển trở nên bất khả thi. Tuy nhiên, nếu giữ lại ba thai, nguy cơ sinh non ở tuần 25, 26 là rất cao.
Đến 28 tuần một ngày, thai nhi chậm phát triển xuất hiện dấu hiệu nguy kịch, nguy cơ mất tim thai chỉ trong 24 giờ. Nếu một trong 3 thai mất đi thì hai thai còn lại sẽ bị thiếu máu trầm trọng. Tình trạng thiếu máu khiến hai thai còn lại có nguy cơ tổn thương não, thậm chí là tử vong. Vì vậy, êkip quyết định mổ lấy thai.
Trước ca mổ, sản phụ được tiêm trưởng thành phổi và truyền Magie sulfat giúp bảo vệ não cho thai nhi. Đồng thời, TTƯT.BS.CKII Lê Tố Như - Trưởng khoa Sơ sinh, cùng các cộng sự túc trực tại phòng mổ để đảm bảo hô hấp cho trẻ ngay khi chào đời. Sau hơn 2 giờ mổ, ba em bé lần lượt chào đời, sinh hiệu tốt.

Các bé được chuyển đến khoa Sơ sinh. Ảnh: BVCC
Theo ThS.BS Hiền Lê, tam thai chung bánh nhau có thể gây ra nhiều tai biến sản khoa. Thai phụ có thể sinh non do đa thai, tính mạng bị đe dọa do biến chứng tiền sản giật, đái tháo đường thai kỳ, tăng huyết áp, băng huyết sau sinh... Thai nhi phải đối mặt với nguy cơ tử vong do các biến chứng như vỡ ối sa dây rốn, dây rốn thắt nút, thai giới hạn tăng trưởng trong tử cung, sinh non... Bên cạnh đó, có những biến chứng xảy ra trong quá trình mang thai như: truyền máu song thai, thai chậm phát triển trong tử cung có chọn lọc...
Các chuyên gia sản khoa khuyến cáo, thai phụ ngay khi phát hiện mang đa thai nên thăm khám theo dõi, quản lý thai kỳ tại các cơ sở y tế chuyên sâu về sản khoa, có đơn vị sơ sinh tốt, nhằm phát hiện sớm các biến chứng có thể gặp và can thiệp kịp thời.
Hạnh Giang
* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.