Bệnh lý tuyến vú, nhất là ung thư vú, thường có xu hướng phát triển âm thầm. Tuy nhiên, bệnh có thể được phát hiện qua thăm khám tuyến vú, thực hiện xét nghiệm sàng lọc (siêu âm vú, chụp nhũ ảnh, chụp cộng hưởng từ...) và tự khám vú đúng cách tại nhà.
ThS.BS Nguyễn Đỗ Thùy Giang (Trưởng Khoa ngoại vú, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, TP HCM) cho biết, tự khám vú tại nhà có thể giúp phát hiện sớm các bất thường chưa rõ nguyên nhân xuất hiện ở vú. Phụ nữ trên 20 tuổi nên có thói quen tự khám vú định kỳ mỗi tháng một lần vào thời điểm 7-10 ngày sau khi sạch kinh. Đây là lúc vú mềm nhất, dễ sờ và có thể phát hiện các thay đổi bất thường.
Thao tác tự khám vú khá đơn giản, chị em có thể thực hiện theo trình tự dưới đây.
Bước 1: Quan sát trước gương
Đứng trước gương với tư thế xuôi tay, quan sát da vú, núm vú, đường cong, hình thái vú để tìm xem có các thay đổi bất thường ở vú hay không. Tiếp tục, đổi sang tư thế dang hai tay, đưa tay ra phía sau đầu, xoay người sang trái - phải và cúi người để quan sát lại vú.
Bước 2: Khám trong tư thế đứng hoặc ngồi thẳng lưng
Đứng hoặc ngồi thẳng lưng, sau đó đặt một tay phía sau đầu, dùng mặt lòng của ba ngón tay giữa đối bên, kiểm tra toàn bộ vùng giới hạn tuyến vú và đổi bên.
Bước 3: Khám vú trong tư thế nằm ngửa
Nằm ngửa (kê gối dưới vai), đặt tay trái sau đầu, dùng mặt lòng của ba ngón tay phải kiểm tra toàn bộ tuyến vú trái. Đổi lại dùng tay trái cho vú phải.
Bước 4: Khám vú trong tư thế nằm nghiêng
Nằm nghiêng để tuyến vú đổ về trước. Dùng mặt lòng của ba ngón tay giữa kiểm tra nửa ngoài của vú đến hố nách, sau đó kiểm tra toàn tuyến vú. Đổi bên và thực hiện tương tự.
Bước 5: Kiểm tra vú khi tắm dưới vòi sen
Giơ cánh tay phải lên cao, thoa xà phòng vào đầu các ngón tay trái và ngực phải. Áp nhẹ các đầu ngón tay trái lên ngực phải rồi xoay vòng tròn, di chuyển ngón tay lên xuống. Đổi bên và thực hiện tương tự.
Bước 6: Kiểm tra núm vú
Dùng ngón cái và ngón trỏ bàn tay phải nhẹ nhàng xoay núm vú trái và kéo về phía trước. Sau đó, thả tay ra xem núm vú có quay về vị trí cũ không. Thực hiện tương tự với bên còn lại.
Bước 7: Kiểm tra hố nách
Dùng ngón tay trỏ và giữa day ấn để kiểm tra các bất thường, khối u ở hố nách của vùng ngực. Sau đó, đổi tay và kiểm tra bên còn lại.
Khi khám vú tại nhà, chị em có thể sờ nắn vú theo vòng tròn, chiều dọc hoặc chiều kim đồng hồ từ ngoài vào trong. Dùng mặt lòng của 3 ngón tay giữa, day mô tuyến vú thành vòng tròn đều khắp. Áp lực các ngón tay sờ nắn vú từ nhẹ đến ấn sâu, chắc chắn nhưng nhẹ nhàng.
Sau khi tự khám vú nếu phát hiện có một số dấu hiệu bất thường như có cục cứng trong vú hoặc trong nách; núm vú hoặc da vú đỏ, tróc vảy; có chỗ lõm vào trong tuyến vú; đau nhói ở đầu vú hoặc trong vú; núm vú tiết dịch hoặc bị kéo vào trong,... phụ nữ nên đến cơ y tế chuyên khoa để thăm khám. Các bác sĩ có thể kiểm tra chuyên sâu và có hướng can thiệp thích hợp.
Theo bác sĩ Giang, tự khám vú tuy đơn giản, không tốn kém chi phí nhưng khó thực hiện chính xác nếu không được hướng dẫn đúng cách và có thói quen kiểm tra đều đặn. Chị em vẫn cần kết hợp khám vú lâm sàng với các chỉ định từ bác sĩ.
Phụ nữ 20-30 tuổi nên tầm soát ung thư vú 3 năm một lần, tầm soát hàng năm nếu trên 40 tuổi. Những người có nguy cơ cao như có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư, béo phì, mang gene đột biến BRCA1 và BRCA2, lạm dụng thuốc nội tiết tố nên tầm soát 6 tháng một lần. Trường hợp phát hiện bệnh, bác sĩ sẽ áp dụng đa dạng phương pháp điều trị, nâng cao tỷ lệ chữa khỏi, bảo tồn hoặc tái tạo tuyến vú.
Trinh Ngô