Bé Lan Nhiên, 7 tháng tuổi, quê Long An, được bác sĩ phát hiện dị tật tim bẩm sinh ở tuần thai thứ 16. Khi ấy, thai nhi bị bất thường Ebstein type C gây hở van ba lá nặng. Đây là bệnh lý hiếm gặp, tỷ lệ dưới 1% trong tất cả bệnh tim bẩm sinh. Bé được bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM theo dõi chặt chẽ suốt thai kỳ, chăm sóc tích cực sau sinh và phẫu thuật tim khi tròn 7 tháng tuổi.
Trường hợp khác, bé Tom khi mới 22 tuần thai đã được bác sĩ phát hiện dị tật tim bẩm sinh phức tạp - thiểu sản cung động mạch chủ, hẹp eo động mạch chủ nặng. Các bác sĩ khoa Sản, Sơ sinh, Tim mạch, Gây mê, Hồi sức của bệnh viện phối hợp theo dõi suốt thai kỳ đến khi sinh. Bé chào đời 6 ngày đã được phẫu thuật tim.
Bé Tom và Lan Nhiên là hai trong nhiều bệnh nhi được phát hiện mắc dị tật tim từ trong thai kỳ bằng phương pháp siêu âm tim thai.
BS.CKI Nguyễn Phạm Thùy Linh, Trung tâm Tim mạch, cho biết trước đây bệnh tim bẩm sinh ít được chú ý trong tầm soát tiền sản hoặc chưa đủ trang thiết bị, bác sĩ có ít kinh nghiệm khảo sát tim thai chuyên sâu. Hiện, với sự tiến bộ của y học, hầu hết dị tật tim bẩm sinh có thể được chẩn đoán chính xác từ trong bào thai. Nhờ đó, bác sĩ chuẩn bị kế hoạch cho cuộc sinh và can thiệp vào thời điểm thích hợp giúp tăng cơ hội sống cho trẻ.
Bác sĩ khuyến cáo thai phụ nên siêu âm tim thai để phát hiện sớm dị tật tim bẩm sinh của con.
Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh trang bị những dòng máy siêu âm thai 4D, siêu âm tim thai tối tân cho hình ảnh rõ nét, độ phân giải cao, giúp phát hiện sớm những bất thường từ tuần thai 16-18.
ThS.BS Nguyễn Minh Trí Viên, Cố vấn Phẫu thuật tim, Trung tâm Tim mạch, cho biết đối với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, bác sĩ chọn phẫu thuật tim bằng đường mổ nhỏ, ít xâm lấn, ít ảnh hưởng các mô cấu trúc khung xương của bệnh nhi. Ngoài ra, bệnh viện áp dụng phương pháp gây tê mặt phẳng cơ dựng sống (ESP) giảm đau hiệu quả sau mổ, hạn chế sử dụng morphin.
Quá trình chăm sóc trẻ trước và sau phẫu thuật cần đảm bảo cung cấp lượng oxy đúng mức, hỗ trợ tuần hoàn và dinh dưỡng. Khâu kiểm soát nhiễm khuẩn, hồi sức sau mổ cũng rất quan trọng, giúp trẻ nhanh hồi phục, xuất viện sau 3-5 ngày.
"Ca mổ tim thành công, nhưng sau mổ bé bị nhiễm khuẩn bệnh viện thì kết quả cuối cùng thất bại", bác sĩ Viên nhấn mạnh.
Theo bác sĩ Viên, ngoài kỹ thuật siêu âm tầm soát từ trong bào thai, mô hình phối hợp liên chuyên khoa nội viện giúp cứu sống kịp thời những em bé mắc dị tật tim bẩm sinh.
Tuệ Trâm