Ngày 21/3, BS.CKI Vũ Năng Phúc (Trưởng khoa Tim bẩm sinh, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) cho biết sau 3 tháng phẫu thuật sửa van tim hở nặng, bệnh nhi Lan Nhiên (10 tháng tuổi, tỉnh Long An) khỏe mạnh, tăng cân tốt, chức năng tim ổn định và tiếp tục theo dõi định kỳ mỗi 3 tháng.
Bé được chẩn đoán bị dị tật tim Ebstein type C từ tuần thai thứ 16. Đây là bệnh lý được các bác sĩ đánh giá là "cáo đội lốt cừu" vì không biểu hiện triệu chứng nhưng nguy hiểm, gây hở van ba lá nặng, dẫn đến suy tim nhanh chóng sau sinh. Bệnh chiếm tỷ lệ 1/200.000 trẻ sơ sinh sống và dưới 1% trong nhóm bệnh tim bẩm sinh.
Bệnh nhi được theo dõi chặt chẽ từ trong thai kỳ; chào đời khi được 39 tuần thai, nặng 2,9 kg, được chăm sóc và hồi sức ngay tại phòng sinh. Siêu âm tim sau sinh ghi nhận van ba lá dính nhiều lá van làm buồng nhĩ phải của bé phình to và thất phải nhỏ. Bé bị suy tim nặng, nguy cơ tử vong lên đến 45% theo đánh giá trên siêu âm tim.
Theo BS.CKI Phạm Thục Minh Thủy (khoa Tim bẩm sinh), nếu phẫu thuật muộn, bé có thể suy tim cấp, tử vong bất cứ lúc nào. Do đó, trong tháng đầu sau sinh, bác sĩ sơ sinh chăm sóc dinh dưỡng tích cực cho bé nhanh đạt đủ cân nặng (6 kg) để đảm bảo an toàn trong cuộc mổ. Bác sĩ tim mạch nhi điều chỉnh liều thuốc điều trị suy tim hàng tuần và sẵn sàng can thiệp mở ống động mạch nếu bé bị tím tái nặng.
Từ tháng thứ 3, nhờ đáp ứng tốt với thuốc điều trị, những triệu chứng suy tim cải thiện dần, bé tăng cân đều đặn, giảm thở mệt. Khi được 7 tháng tuổi (tháng 1/2023), bé cân nặng hơn 6 kg, các bác sĩ phẫu thuật để ngăn bệnh suy tim tiến triển nguy hiểm.
Xác định đây là ca mổ phức tạp, bé có thể ngưng tim trong lúc thực hiện, êkip chuẩn bị phương án hồi sức tim phổi (ECMO) để ứng phó. ThS.BS Nguyễn Minh Trí Viên cho biết các bác sĩ mổ hở ít xâm lấn, đường mổ nhỏ 3-4 cm (chỉ bằng 1/2 kích thước truyền thống) giúp hạn chế chảy máu, giảm đau, nhiễm trùng, sẹo xấu, biến dạng lồng ngực... Với phương pháp gây tê mặt phẳng cơ dựng sống (ESP) kết hợp gây mê, bé không cần dùng morphin giảm đau sau mổ, tránh được hệ lụy nghiện thuốc, tăng nhạy cảm đau sau này.
"Nhờ siêu âm 4D đánh giá chuẩn xác trước mổ và siêu âm qua thực quản dẫn đường trong lúc mổ, chúng tôi sửa thành công van 3 lá, giữ được cả hai tâm thất với chức năng như bình thường. Trong khi một số trường hợp bệnh tương tự chỉ sửa được một thất hay 1,5 thất nên trái tim bệnh nhi vẫn khiếm khuyết", bác sĩ Trí Viên cho biết.
Van ba lá của bệnh nhi hoạt động tốt, bé được xuất viện sau 7 ngày phẫu thuật và tái khám theo dõi mỗi tuần trong hai tuần đầu sau mổ.
Bác sĩ Phúc cho biết thêm, bất thường Ebstein thường dẫn đến bệnh lý hở van tim ba lá, suy thất phải và rối loạn nhịp dẫn đến suy tim, tím tái, loạn nhịp tim.
Trước đây, các trường hợp hở van tim do bệnh lý Ebstein chỉ được phát hiện và phẫu thuật khi có triệu chứng. Hiện nay, nhờ kỹ thuật siêu âm tim thai, dị tật tim bẩm sinh nặng này có thể được phát hiện từ tuần thai thứ 16. Nhờ đó, bác sĩ có thể theo dõi trong suốt thai kỳ và phân loại ngay sau sinh, lên kế hoạch phẫu thuật sớm nếu bệnh tiến triển nặng.
Gia Hưng
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi.