Trả lời:
Rượu có thể gây phát ban hay mề đay ở một số người. Đây thường không phải là phản ứng dị ứng thật sự mà là hội chứng không dung nạp rượu. Một số loại rượu có chứa histamine - hợp chất được cơ thể giải phóng khi có phản ứng dị ứng. Nếu bạn không dung nạp histamine khi uống có thể phát ban, nổi mề đay.
Các triệu chứng khác không dung nạp histamine có thể bao gồm đau đầu, đỏ bừng mặt và các vấn đề về tiêu hóa. Nếu bạn nghi ngờ không dung nạp histamine, nên đến bác sĩ khám và xét nghiệm để tìm cách kiểm soát triệu chứng.
Rượu còn có thể gây đỏ bừng mặt. Đỏ mặt là phản ứng phổ biến xảy ra khi cơ thể bị tích tụ acetaldehyde - sản phẩm phụ của quá trình chuyển hóa rượu. Phản ứng này có thể dẫn đến mẩn đỏ, ngứa và nổi mề đay trên da.
Ngoài phản ứng do không dung nạp histamine và thiếu men để chuyển hóa acetaldehyde, vẫn có một số trường hợp xảy ra phản ứng dị ứng thật sự với thành phần trong rượu như hóa chất, lúa mạch, chất bảo quản...
Nếu bạn bị nổi mề đay nên tránh hoặc hạn chế uống rượu. Bạn cũng có thể dùng thuốc kháng histamine trước khi uống giúp ngăn ngừa phản ứng. Để giảm ngứa và khó chịu, bạn có thể áp dụng một số cách dưới đây.
Chườm mát bằng cách bọc đá bằng khăn và áp lên vùng da bị ảnh hưởng giúp giảm ngứa và sưng tấy.
Tránh gãi lên vùng da nổi mề đay vì có thể làm các triệu chứng nghiêm trọng hơn, gây trầy xước, tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Mặc quần áo rộng rãi, chất liệu thoáng mát như cotton nhằm tránh kích ứng da.
Dùng sản phẩm không mùi. Hương thơm trong xà phòng và các sản phẩm chăm sóc cá nhân khác có thể kích ứng làn da nhạy cảm và phát ban.
Người bị nổi mề đay kèm các triệu chứng khác như khó thở, sưng mặt, môi hoặc lưỡi, chóng mặt hoặc ngất xỉu, buồn nôn, nôn mửa, cần đến cơ sở y tế gần nhất ngay lập tức. Những triệu chứng này cho thấy phản ứng dị ứng nghiêm trọng, có thể đe dọa tính mạng nếu không điều trị kịp thời.
Bạn có thể cân nhắc một số loại đồ uống thay thế ít có khả năng gây phản ứng hơn, như bia, rượu có nồng độ cồn thấp hoặc không cồn.
Nếu có tiền sử nổi mề đay hoặc các phản ứng dị ứng khác, tốt nhất bạn nên kiểm tra thành phần đồ uống và tham khảo bác sĩ trước khi thử bất kỳ đồ uống mới nào.
BS.CKI Quách Thị Bích Vân
Chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ da
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh da liễu tại đây để bác sĩ giải đáp |