Mề đay là một dạng phát ban trên da phổ biến, có biểu hiện đặc trưng là các nốt sẩn phù hình tròn, bầu dục hoặc hình khuyên; kích thước từ dạng chấm đến mảng to hơn 10 cm. Mề đay gây cảm giác ngứa ngáy, khó chịu, ảnh hưởng đến tâm lý.
Người bệnh thường gãi nhưng không hết ngứa mà còn dễ làm tổn thương vùng da, dẫn đến trầy xước, nhiễm trùng. Người bệnh có thể áp dụng những cách dưới đây để làm dịu cơn ngứa.
Mặc quần áo rộng rãi
Mặc quần áo bó sát, mang túi có dây đeo qua vai có thể ảnh hưởng đến da đang nổi mề đay, làm bệnh nặng hơn. Những người đang điều trị bệnh hoặc dễ bị phát ban nên mặc quần áo rộng rãi, tránh đeo ba lô, quấn khăn hoặc các vật dụng khác cọ xát vào da.
Chườm lạnh
Một miếng vải làm mát hoặc túi chườm lạnh có tác dụng làm tê tạm thời, dịu cảm giác ngứa. Bạn nên chườm túi lạnh 5-10 phút mỗi lần, tránh đặt đá lạnh trực tiếp lên da vì dễ gây kích ứng. Tuy nhiên, phương pháp này không dành cho người có dấu hiệu nổi mề đay do tiếp xúc với không khí lạnh.
Tắm vòi sen
Theo tiến sĩ, bác sĩ Walter Ryan III, Trung tâm Chăm sóc Dị ứng và Hen suyễn Florida (Mỹ), nước mát có thể giúp người bệnh dễ chịu hơn nước ấm. Người bị phát ban do đổ mồ hôi, tập thể dục hay sốt có thể tắm vòi hoa sen để giảm triệu chứng.
Tắm bột yến mạch
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học tại New York (Mỹ), năm 2015, bột yến mạch dạng keo có tác dụng làm dịu da ngứa bằng cách giảm các cytokine gây viêm. Chúng cũng có đặc tính chống viêm và chống oxy hóa, hỗ trợ thúc đẩy quá trình chữa bệnh và giảm ngứa khi nổi mề đay.
Nha đam
Nha đam được sử dụng rộng rãi như một cách chữa bỏng và các tình trạng da khác. Theo Trung tâm Y học Tổng hợp và Bổ sung Quốc gia Mỹ (NIH), thoa nha đam lên da cũng hữu ích với chứng phát ban, giúp giảm ngứa.
Uống thuốc, dùng kem dưỡng da
Thuốc kháng histamine không kê đơn có thể chống ngứa, ngăn ngừa những đợt phát ban mới. Một số loại kem dưỡng, thuốc không kê đơn chứa hỗn hợp kẽm và oxit sắt hỗ trợ làm dịu da. Bạn phủ một lớp kem mỏng lên vùng phát ban để khô trên da.
Hầu hết trường hợp nổi mề đay sẽ khỏi trong vòng 48 giờ. Song, một số người có thể bị phát ban mạn tính, kéo dài hơn 6 tuần. Trong các tình trạng nặng hơn, mề đay có thể là một triệu chứng của sốc phản vệ, gây nguy hiểm.
Người bị nổi mề đay kéo dài, có các biểu hiện như khó thở, khó nuốt, buồn nôn, sưng miệng hoặc môi nên đến gặp bác sĩ để thăm khám và điều trị.
Huyền My (Theo Health, Verywell Health)