Theo Thạc sĩ - bác sĩ Vũ Thị Thùy Trang, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, mề đay là tình trạng da phát ban, có biểu hiện đặc trưng là các nốt sẩn phù, có nhiều hình dạng khác nhau như hình tròn, bầu dục, hình khuyên (hình vòng); kích thước thay đổi từ dạng chấm vài ly đến mảng to hơn 10 cm, gây ngứa.
Trẻ em thường bị mề đay cấp tính chủ yếu do phản ứng dị ứng với thức ăn; nhiễm trùng đường hô hấp; côn trùng cắn; các yếu tố thể chất, chênh lệch áp suất, thời tiết lạnh. Trẻ em bị mề đay mạn tính thường dưới dạng phù mạch.
Phụ nữ mang thai cũng dễ gặp tình trạng này do nội tiết tố thay đổi, căng thẳng, cảm lạnh, cảm cúm, gan hoạt động quá mức, men gan mất cân bằng tạm thời khiến chất thải tích tụ trong máu. Điều trị mề đay bằng thuốc trong thai kỳ không được khuyến cáo.
Với phụ nữ sau sinh, quá trình vượt cạn và chăm sóc trẻ sơ sinh có thể khiến sức khỏe người mẹ suy kiệt. Những thay đổi về thể chất, tinh thần và cảm xúc ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch - nguyên nhân gây nổi mề đay.
Mề đay thường tồn tại khoảng 2-4 giờ và tự biến mất mà không cần điều trị (kéo dài không quá 24 giờ). Tuy nhiên, những nốt sần khác có thể xuất hiện và gây ngứa. Bác sĩ Thùy Trang cho biết thời gian xuất hiện mề đay tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Mề đay do tiếp xúc (dị ứng cao su, xà phòng...) sẽ xuất hiện sau 10-60 phút; trong vòng một giờ nếu bị dị ứng thức ăn; phản ứng với chất tạo màu thực phẩm và các chất phụ gia thường sau 12-24 giờ. Phản ứng với thuốc có thể xuất hiện ngay lập tức hoặc trễ hơn, thậm chí nhiều năm sau đó.
Mề đay không lây truyền từ người này sang người khác nhưng bệnh có khả năng tái phát nhiều lần. Mức độ nguy hiểm của bệnh tùy thuộc vào thể trạng, dạng mề đay gặp phải là cấp tính hay mạn tính.
Khi thấy ngứa, người bệnh thường gãi để giảm cảm giác khó chịu. Tuy nhiên, gãi không những không chấm dứt cơn ngứa mà còn dễ làm tổn thương vùng da, dẫn đến trầy xước, nhiễm trùng. Bệnh diễn tiến nặng có thể gây các biến chứng như chàm mạn tính, sưng mạch khí quản, nghẹt thở, khó thở do sưng mạch họng, đe dọa đến tính mạng.
Nguyên nhân gây ra tình trạng này còn có thể do dị ứng thuốc, thực phẩm, chất bảo quản, lông động vật, nhiệt độ, căng thẳng... Khi biết rõ nguyên nhân gây nổi mề đay đến từ thực phẩm như hải sản (tôm, cua...), thuốc, người bệnh có thể chủ động phòng tránh. Tuy nhiên, yếu tố gây bệnh thường đa dạng, không phải lúc nào cũng rõ ràng nên đôi khi khó phòng ngừa. Do đó, khi bị mề đay, người bệnh nên đến khám bác sĩ da liễu - thẩm mỹ da để tìm hiểu nguyên nhân, điều trị triệu chứng, từ đó phòng tránh hiệu quả hơn.
Bác sĩ Thùy Trang khuyến cáo mọi người nên có lối sống lành mạnh; mặc quần áo rộng rãi; giữ nơi ở thông thoáng, sạch sẽ, có độ ẩm cao; không dùng xà phòng có độ pH cao hơn 7. Nếu có cơ địa dị ứng, thường xuyên tái phát mề đay, người bệnh nên mang theo thuốc đã được bác sĩ kê đơn để cấp cứu trong trường hợp khẩn cấp.
Nguyễn Trăm