Trả lời:
Mụn nước hình thành khi có sự phá vỡ liên kết của các tế bào thuộc bề mặt da, kích thước dưới 1 cm. Kích thước mụn trên 1 cm gọi là bóng nước. Nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như bệnh tự miễn, bệnh ly thượng bì bóng nước bẩm sinh, viêm da cơ địa, dị ứng thuốc, nhiễm trùng (vi trùng, siêu vi, nấm), chấn thương (chà xát da)...
Tùy theo nguyên nhân mà bệnh có nguy hiểm hay không. Trường hợp con bạn có thể do trẻ bị chàm da, nấm da, ghẻ hoặc tay chân miệng bội nhiễm... Nổi mụn nước thường kèm ngứa, khó chịu. Phụ huynh cần hạn chế để trẻ cào gãi gây trầy xước da, mất hàng rào bảo vệ cơ thể, nhiễm trùng do vi khuẩn xâm nhập vào da. Nếu không được kiểm soát tốt có thể dẫn đến nhiễm trùng máu làm tổn thương cơ quan quan trọng như tim, gan, não, thận, thậm chí tử vong.
Ngoài ra ngứa, nổi mụn nước có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh tay chân miệng. Ở cấp độ nặng, bệnh có thể khiến trẻ tử vong do tổn thương thần kinh, tim mạch.
Khi trẻ có biểu hiện như trên, bạn nên đưa con đi khám kịp thời để chẩn đoán bệnh chính xác. Tùy vào tình trạng, bác sĩ cho bé uống một số loại thuốc chống viêm, giảm ngứa, ức chế miễn dịch để giảm các triệu chứng. Trong trường hợp có bệnh lý do nhiễm trùng (vi trùng, nấm, ghẻ), bác sĩ có thể kê đơn kháng sinh, kháng nấm hay thuốc diệt ghẻ để điều trị bệnh. Khi chăm sóc trẻ tại nhà, bạn cần lưu ý không cho trẻ cào gãi, tắm rửa bằng xà phòng trung tính, cắt móng tay sạch sẽ.
ThS.BS.CKI Vương Ngọc Thiên Thanh
Khoa Nhi, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |