Trả lời:
U máu còn gọi là bướu máu là hiện tượng tế bào nội mạch mạch máu ở da tăng trưởng quá mức, có thể xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau như đầu, mặt, cổ, chân, tay, nội tạng... Nguyên nhân khiến trẻ bị u máu vẫn chưa được xác định cụ thể. Tình trạng này thường gặp ở trẻ sơ sinh, phổ biến ở bé gái hơn bé trai. Vấn đề về hormone, rối loạn miễn dịch, bất thường mạch máu hoặc ảnh hưởng từ hóa chất cũng là nguy cơ.
U máu thường phát triển qua 4 giai đoạn gồm trẻ vừa chào đời hoặc trong vài tuần đầu sau sinh, tăng nhanh về kích thước trong khoảng 2-3 tháng đầu đời. Tốc độ tăng trưởng của u máu chậm lại lúc trẻ khoảng 3 tháng tuổi khi kích thước u đạt 80%, tối đa khi trẻ 6-8 tháng tuổi.
Ở giai đoạn 3, kích thước của u máu gần như không thay đổi, ngừng phát triển. Giai đoạn 4, u máu bắt đầu có xu hướng tự co lại và biến mất khi trẻ được khoảng một tuổi. Một số trẻ 3-5 tuổi u máu co lại khoảng 50%. Thông thường khi trẻ 10 tuổi, u máu biến mất hoặc rất khó nhìn thấy chúng. U máu sau khi biến mất có thể để lại sẹo hoặc mạch máu thừa trên da. Một số thủ thuật can thiệp giúp loại bỏ sẹo, đảm bảo tính thẩm mỹ ở những khu vực này.
Hầu hết u máu thường lành tính, tuy nhiên sự tăng trưởng nhanh về kích thước có thể gây chèn ép cơ quan, nội tạng xung quanh. Từ đó nó ảnh hưởng đến chức năng của cơ quan này, tác động xấu đến sức khỏe.
Ví dụ như u máu gần mắt, mí, trán cản trở tầm nhìn, yếu thị lực, tăng nhãn áp, nguy cơ mù lòa. U máu trong tai làm giảm thính lực. U ở vùng hầu họng, thanh quản, đường hô hấp gây khó thở, ho, khàn tiếng. U ở vùng quấn tã cản trở sinh hoạt, dễ nhiễm trùng...
Bạn nên theo dõi tình trạng u máu của con. Trường hợp vị trí u có vết lở loét, dấu hiệu nhiễm trùng, kích thước lớn ảnh hưởng đến các cơ quan chức năng khác khiến khó sinh hoạt, bé cần được đưa đến bệnh viện ngay. Bác sĩ sẽ khám và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp cho bé.
BS.CKII Nguyễn Đỗ Trọng
Chuyên khoa Ngoại nhi
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |