Ung thư túi mật ít gặp, thường được phát hiện ở giai đoạn muộn. Nguyên nhân ung thư túi mật hiện nay chưa được biết rõ. Song một số yếu tố nguy cơ gây ung thư túi mật như sỏi mật, nang đường mật bẩm sinh, viêm xơ đường mật nguyên phát, phơi nhiễm chất gây ung thư, thương hàn, nhiễm vi khuẩn helicobacter...
TS.BS Phạm Công Khánh, Trưởng khoa Gan - Mật - Tụy, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM, cho biết hầu hết loại ung thư túi mật đều là ung thư biểu mô tuyến, có tiên lượng xấu. Túi mật là vị trí phổ biến dễ mắc ung thư ở đường mật.
Theo bác sĩ Khánh, phụ nữ dễ mắc ung thư túi mật hơn nam giới, nhất là phụ nữ trên 65 tuổi, do trải qua nhiều giai đoạn thay đổi nội tiết tố như mang thai, sinh con, dùng thuốc tránh thai đường uống hoặc điều trị bằng hormone như liệu pháp thay thế estrogen. Đây là các yếu tố nguy cơ hình thành sỏi túi mật.
Yếu tố nội tiết
Bác sĩ Khánh giải thích ung thư túi mật liên quan thụ thể estrogen và progesterone, hai hormone thường có ở nữ giới. Sự thay đổi nội tiết trong cơ thể phụ nữ, nhất là estrogen làm tăng sản xuất cholesterol và giảm vận chuyển cholesterol từ máu đến mật, dẫn tới hình thành sỏi mật. Sỏi mật là yếu tố nguy cơ gây ung thư túi mật. Progesterone làm giảm co bóp của túi mật, làm chậm quá trình vận chuyển mật dẫn đến tích tụ mật và hình thành sỏi.
Phụ nữ có kinh nguyệt sớm (khả năng sinh sản kéo dài), mang thai hoặc mang thai nhiều lần... có thể làm tăng estrogen hoặc progesterone trong thời gian dài. Hai hormone này có liên quan chặt chẽ đến sự phát triển các loại ung thư phụ thuộc hormone như ung thư vú, ung thư túi mật.
"Phụ nữ sau mãn kinh có nguy cơ cao ung thư túi mật, có thể do thay đổi hormone trong cơ thể sau khi ngừng kinh nguyệt", bác sĩ Khánh nói.
Sỏi mật
Phụ nữ có nguy cơ mắc sỏi mật cao hơn nam giới. Sỏi tồn tài lâu trong người có thể gây viêm mạn tính, làm tổn thương và thay đổi cấu trúc niêm mạc túi mật. Viêm mạn tính tạo môi trường thuận lợi cho tế bào ung thư phát triển. Sỏi mật làm tắc nghẽn ống mật, tích tụ mật đồng thời tăng áp lực trong túi mật, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, dẫn đến viêm nhiễm, tăng nguy cơ ung thư.
Sỏi mật gây viêm mạn tính còn khiến canxi lắng đọng trong thành túi mật. Túi mật vôi hóa có nguy cơ cao chuyển thành ung thư.
Sử dụng thuốc tránh thai
Thuốc tránh thai chứa estrogen và progesterone, có thể làm thay đổi nồng độ hormone tự nhiên trong cơ thể. Bác sĩ Khánh cho biết estrogen được chuyển hóa trong gan, có thể ảnh hưởng đến chức năng gan, dẫn đến các thay đổi trong quá trình sản xuất và bài tiết mật. Nồng độ estrogen cao còn làm tăng mức cholesterol trong dịch mật, dễ hình thành sỏi túi mật. Sỏi túi mật có thể gây viêm túi mật mạn tính, tăng nguy cơ phát triển ung thư này.
Lục Bảo
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |