Trả lời:
Bệnh tiểu đường đặc trưng bởi tình trạng tăng đường huyết mạn tính, do suy giảm tế bào beta tuyến tụy hoặc do cơ thể kháng insulin (hormone điều hòa lượng đường trong máu).
Móng ở tay và chân được tạo từ chất sừng và phát triển liên tục suốt đời. Tốc độ tăng trưởng trung bình của móng tay là 3 mm và móng chân là 1 mm mỗi tháng. Tốc độ phát triển của móng có thể bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố khác gồm tuổi tác, thuốc, bệnh lý tại chỗ và toàn thân. Bệnh tiểu đường không được kiểm soát gây ra nhiều biến chứng lên các cơ quan, bao gồm tim mạch, thần kinh, mạch máu, mắt, thận, da, tóc, móng...
Biến chứng mạch máu nhỏ gây thiếu máu và oxy cung cấp nuôi móng, dẫn đến thay đổi hình dạng, đường viền và màu sắc của móng, bệnh nấm móng, viêm quanh móng, móng mọc ngược... Các biến dạng ở móng khiến người bệnh có khả năng cao bị nhiễm trùng và loét chân. Một số nguyên nhân khác làm thay đổi hình dạng móng và tăng nguy cơ mắc bệnh ở móng như sử dụng nhà tắm công cộng, lao động tay chân nặng, tiếp xúc nhiều với đất, chất thải hữu cơ, nước bẩn.
Nếu thường xuyên bị hỏng và biến dạng móng, bạn có nguy cơ cao tổn thương mô, nhiễm trùng bàn chân. Biến dạng móng, hư móng có thể là dấu hiệu nhận biết biến chứng mạch máu tiểu đường. Tình trạng này nếu không được điều trị kịp thời và chăm sóc đúng cách có khả năng nhiễm trùng nặng, hoại tử dẫn đến cắt cụt chân.
Biến chứng bàn chân tiểu đường cũng rất thường gặp. Bàn chân có nhiệm vụ nâng đỡ cơ thể, chịu áp lực tì đè, dễ bị cọ xát, chấn thương. Trong khi đó, bàn chân người tiểu đường dễ bị nhiễm trùng do các yếu tố liên quan như đường huyết cao, biến chứng mạch máu nhỏ - lớn dẫn đến thiếu tưới máu nuôi đến chân, biến dạng, mất cảm giác bởi biến chứng thần kinh... Người bệnh tiểu đường nếu có vấn đề về móng, bàn chân, quá trình chăm sóc thường kéo dài, thời gian lành thương lâu, chi phí điều trị tốn kém.
Người bệnh bị biến chứng nặng dẫn đến cắt cụt chân ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt và chất lượng cuộc sống về sau. Tỷ lệ người bệnh tiểu đường tử vong sau 5 năm cắt cụt chân khoảng 40,4-70%.
Khi xuất hiện các hư hỏng, bất thường ở móng chân, bạn không nên tự mua thuốc điều trị hay đắp lá cây. Không sử dụng vật sắc ngọt để cạo, lấy khóe móng, chỉnh hình dáng móng vì có thể làm tổn thương, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và gây nhiễm trùng.
Người bệnh tiểu đường nên đến bác sĩ Nội tiết - Đái tháo đường để được khám, điều trị sớm các biến dạng và hư móng. Bác sĩ điều trị tùy trường hợp có thể cắt móng, mài móng, giảm dày sừng, xử lý móng quặp, xử lý vết thương, kiểm soát đường huyết... bằng các kỹ thuật chuyên biệt.
Để phòng ngừa tình trạng biến dạng và hư móng, người bệnh tiểu đường cần kiểm soát đường huyết tốt; ăn uống lành mạnh, giàu chất xơ; ít tinh bột, đường, chất béo bão hòa. Tăng cường vận động, tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày.
Quan sát chân nhằm phát hiện các bất thường, vệ sinh chân sạch sẽ, lau khô chân, làm mềm da chân bằng các loại kem dưỡng ẩm cho da nhạy cảm hoặc mỡ bôi da. Mỗi người bệnh tiểu đường nên khám tầm soát biến chứng bàn chân tiểu đường ít nhất hai lần một năm để phát hiện bất thường và xử lý sớm biến chứng.
BS.CKII Đinh Thị Thảo Mai
Khoa Nội tiết - Đái tháo đường
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiểu đường tại đây để bác sĩ giải đáp |