Trả lời:
Người bệnh tim mạch hoặc từng phẫu thuật tim có nguy cơ gặp nhiều biến chứng, trong đó có viêm nội tâm mạc nhiễm trùng, có thể gây tử vong. Một số nghiên cứu ước tính 14-20% trường hợp viêm nội tâm mạc do vi khuẩn có thể liên quan đến vệ sinh răng miệng.
Vi khuẩn gây bệnh khoảng 90% trường hợp là tụ cầu, liên cầu và enterococcus. Trong khoang miệng, vi khuẩn cư trú trong những mảng bám trên bề mặt niêm mạc miệng và trong các túi nha chu. Một số hoạt động thường ngày như đánh răng quá mạnh, bàn chải đánh răng quá cứng, can thiệp nha khoa (nhổ răng, phẫu thuật), viêm họng, viêm nha chu... có thể làm tổn thương bề mặt niêm mạc, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào máu.
Những vi khuẩn này có thể di chuyển đến van tim, dẫn đến viêm nhiễm, nhất là ở những bệnh nhân có tiền sử bệnh van tim hay phẫu thuật van tim. Nếu không điều trị nhanh chóng, viêm nội tâm mạc có thể làm hỏng hoặc phá hủy van tim.
Viêm nội tâm mạc nhiễm trùng có xu hướng phát triển trên van tim đã tổn thương trước đó. Trong đó, van hai lá là vị trí thường gặp nhất, tiếp theo là van động mạch chủ và trong một số trường hợp có thể gặp trên van ba lá, van động mạch phổi.
Bệnh nhân đã thay van tim bị viêm nội tâm mạc nhiễm trùng có thể cần thay van bị nhiễm trùng bằng van mới.
Mặc dù vấn đề răng miệng không trực tiếp gây ra bệnh tim mạch nhưng làm tăng nguy cơ mắc các hội chứng tim mạch cấp và mạn tính.
Trường hợp của bạn mới thay van tim có nguy cơ nhiễm trùng nội tâm mạc. Vì vậy, chăm sóc răng miệng và khám răng giúp phòng ngừa, phát hiện sớm vấn đề viêm nhiễm trong khoang miệng, tránh rủi ro vi khuẩn xâm nhập vào máu qua nướu.
Bạn có thể phòng ngừa viêm nội tâm mạc nhiễm trùng liên quan các mảng bám răng bằng những biện pháp như vệ sinh răng miệng đúng cách ít nhất hai lần mỗi ngày vào sáng và tối trước khi đi ngủ; chọn bàn chải phù hợp; kiểm soát các mảng bám răng; không dùng vật nhọn sắc hoặc tăm tre nhọn để vệ sinh răng.
Sử dụng chỉ nha khoa ít nhất một lần trong ngày để làm sạch các mẫu thức ăn và vi khuẩn còn sót lại. Nếu bị viêm nha chu, nên điều trị sớm. Cứ mỗi 6 tháng, bạn nên đến gặp nha sĩ để làm sạch răng.
Bên cạnh chăm sóc răng miệng, bạn cũng cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng, vận động và nghỉ ngơi hợp lý, tái khám tim mạch theo lịch hẹn của bác sĩ.
ThS.BS.CKII Huỳnh Thanh Kiều
Trưởng khoa Nội Tim mạch 1
Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |