Trả lời:
Đàn ông tuổi trung niên dễ bị tích tụ mỡ bụng hơn phụ nữ do nhiều nguyên nhân như thay đổi hormone, giảm quá trình trao đổi chất, lối sống, chế độ ăn, stress. Mức tiêu hao năng lượng ở mỗi độ tuổi khác nhau dù lượng thức ăn tiêu thụ không thay đổi. Từ 30 tuổi, lượng hormone testosterone giảm dần sau mỗi năm. Suy giảm testosterone ở nam giới ảnh hưởng đến phân phối mỡ và quá trình trao đổi chất, khiến cơ thể dễ tích tụ mỡ thừa, khó giảm cân hơn.
Thói quen ăn uống cũng góp phần khiến người trung niên dễ tăng cân. Nam giới có thói quen ăn nhiều thịt, thực phẩm giàu chất béo, uống rượu bia dễ béo phì hơn. Khi đến tuổi trung niên, chức năng của các bộ phận trong cơ thể suy giảm, làm cản trở quá trình xử lý chất béo, dẫn đến tích tụ mỡ. Bên cạnh đó, thức khuya, hút thuốc, uống rượu, căng thẳng tâm lý thúc đẩy sản xuất hormone cortisol, ảnh hưởng đến quá trình tích tụ mỡ vùng bụng, bao gồm cả mỡ nội tạng.
Ngồi làm việc liên tục nhiều giờ, cơ bắp không có cơ hội vận động, mỡ không được đốt cháy cũng khiến nam giới dễ béo bụng. Mỡ nội tạng tích tụ quá mức sẽ giải phóng các hormone và phá vỡ chức năng bình thường của các cơ quan nội tạng, làm tăng nguy cơ tiểu đường type 2, gan nhiễm mỡ, bệnh tim, ung thư.
Vòng eo của nam giới vượt quá 90 cm và nữ giới vượt quá 80 cm cho thấy lượng mỡ nội tạng có thể ở mức cao. Bạn nên kiểm tra vòng bụng của bạn ở mức nào.
Người trung niên muốn giảm cân, giảm mỡ cần kiên trì và nỗ lực trong thời gian dài. Một trong những quy tắc hàng đầu nên tuân thủ là hạn chế thức ăn giàu chất béo cũng như giàu cholesterol có nhiều trong nội tạng động vật, thức ăn làm từ bơ sữa. Tăng cường protein nạc để duy trì khối lượng cơ và tạo cảm giác no lâu. Hạn chế đường, muối và thực phẩm chế biến sẵn để ngăn ngừa tích tụ mỡ thừa.
Bạn nên ngủ đủ 7-8 tiếng mỗi đêm để cân bằng hormone, giảm stress, duy trì vận động hàng ngày, lựa chọn bài tập phù hợp với thể lực như đi bộ, chạy bộ, bơi lội... Theo dõi các chỉ số khối cơ thể (BMI) huyết áp, đường huyết giúp phát hiện sớm và điều trị các vấn đề sức khỏe bất thường.
Nếu áp dụng các cách trên không hiệu quả, vòng bụng vẫn hơn 90 cm, bạn nên đi khám hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ để có phương pháp giảm cân phù hợp, hiệu quả.
Thạc sĩ, bác sĩ Trần Nguyễn Quỳnh Trâm
Trung tâm Kiểm soát cân nặng và Điều trị béo phì
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Độc giả đặt câu hỏi bệnh nội tiết tại đây để bác sĩ giải đáp |