Chảy nước dãi phổ biến, có thể xảy ra sau giấc mơ. Đa phần tình trạng này vô hại, trong một số trường hợp chảy nước dãi khi ngủ cảnh báo bệnh lý.
Nghẹt mũi xảy ra khi các mô ở mũi sưng, viêm gây tắc nghẽn, khó hít thở bằng mũi nên có xu hướng thở bằng miệng. Miệng mở khi ngủ tạo điều kiện cho nước dãi chảy không kiểm soát.
Nguyên nhân gây nghẹt mũi dẫn đến thở bằng miệng như tắc nghẽn do cảm cúm, cảm lạnh, viêm, lệch vách ngăn, polyp mũi hoặc phì đại vòm họng.
Để giảm nghẹt mũi vào buổi tối, mỗi người nên vệ sinh mũi họng thường xuyên, xịt thông mũi trước khi ngủ. Dùng máy tạo độ ẩm trong phòng ngủ để làm ẩm không khí, loãng đờm.
Dị ứng gây tăng tiết đờm, nhầy, dẫn đến nghẹt mũi. Trường hợp không loại bỏ chất dị ứng hoặc uống thuốc, các triệu chứng dị ứng thường nặng hơn vào ban đêm.
Khi ngủ, nghẹt mũi thường nặng hơn do lưu lượng máu đến mũi và đầu tăng lên. Do mũi nghẹt, người bị dị ứng có thể thở bằng miệng, khiến nước dãi dễ thoát ra ngoài.
Triệu chứng khác của dị ứng bao gồm ho khan, khó thở, ngứa, chảy nước mắt. Kê cao gối khi ngủ, chạy máy tạo độ ẩm vào ban đêm giúp đường thở thông thoáng, cung cấp độ ẩm cho mũi. Dùng nước muối xịt mũi trước khi đi ngủ để làm sạch mũi.
Viêm xoang gây sưng cổ họng, khiến khó nuốt nước bọt hơn. Người bệnh thở bằng miệng để dễ chịu hơn dẫn đến chảy nước dãi khi ngủ. Triệu chứng khác của viêm xoang như chảy nước mũi màu xanh lá, nhức đầu, đau mặt, đau răng, hơi thở có mùi, sốt, ho...
Trào ngược dạ dày thực quản do trào ngược axit lên thực quản, có thể đến cổ họng, kích thích cơ thể tiết nước bọt nhiều hơn. Đau hoặc khó nuốt, thức ăn kẹt trong cổ họng, hơi thở có mùi hôi, viêm nướu, xói mòn men răng, khàn giọng vào buổi sáng có thể là triệu chứng của bệnh này.
Người bệnh nên thay đổi tư thế ngủ, chia nhiều bữa nhỏ, không ăn quá no, nhai kỹ, tránh ăn trước giờ đi ngủ.
Ngưng thở khi ngủ là dạng rối loạn giấc ngủ gây ngừng thở nhiều lần mỗi đêm. Tình trạng này có thể chặn đường thở ở mũi kèm các triệu chứng khác như ngáy to, há miệng khi ngủ, đau đầu vào buổi sáng, cáu gắt và buồn ngủ vào ban ngày. Ngáy và há miệng khi ngủ là nguyên nhân khiến chảy nước dãi mỗi đêm.
Ngưng thở khi ngủ có nhiều mức độ khác nhau, từ nhẹ đến nặng. Người bệnh nên đi khám càng sớm càng tốt để bác sĩ có hướng điều trị phù hợp, giúp đường thở thông thoáng.
Tác dụng phụ của một số loại thuốc như thuốc điều trị tâm thần có thể làm tăng tiết nước bọt và gây khó nuốt, chảy nước dãi. Người bệnh nên hỏi bác sĩ về thuốc đang dùng để điều chỉnh phù hợp.
Lão hóa: Chảy nước dãi là hiện tượng bình thường khi già đi. Các cơ ở môi và cơ miệng hoạt động kém hơn theo thời gian, răng giả cũng làm nước dãi chảy ra khi ngủ.
Anh Chi (Theo Livestrong)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp |