Ác mộng là một hiện tượng phổ biến trong quá trình ngủ. Khoảng 85% người trưởng thành gặp ít nhất một cơn ác mộng trong vòng một năm qua. Theo khảo sát được đăng tải trên tạp chí PubMed, khoảng 4-10% người cho biết họ gặp ác mộng một hoặc nhiều hơn một lần mỗi tuần. Hiện tượng này phổ biến hơn ở phụ nữ, trẻ em và những người được chẩn đoán mắc các chứng bệnh tâm thần.
Các chuyên gia chưa có câu trả lời chung về lý do con người gặp ác mộng. Họ cho rằng hiện tượng này xảy ra khi cơ thể cố gắng tập hợp lại ký ức, điều chỉnh tâm trạng và xử lý các trải nghiệm khi con người thức giấc. Một số nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết ác mộng là biểu hiện của một quá trình bình thường, trong khi số khác nhận định đây là hiện tượng bất thường.
Dù chưa đi đến kết luận cuối cùng, các nhà khoa học vẫn đưa ra một số tác nhân cơ bản gây ra ác mộng.
Căng thẳng
Ác mộng xảy ra thường xuyên hơn trong giai đoạn căng thẳng, khi một người gặp những chuyển biến lớn trong cuộc sống. Nghiên cứu chỉ ra rằng nội dung của những giấc mơ thường phản ánh nguồn gốc của căng thẳng khi còn thức.
Dù điều này có thể gây lo lắng, một số nhà nghiên cứu cho rằng ác mộng có thể giúp giảm bớt căng thẳng. Các nhà nghiên cứu nhận định nhiều cơn ác mộng thể hiện nỗ lực của cơ thể nhằm ứng phó một cách tích cực với các tác nhân gây căng thẳng vào ban ngày.
Vấn đề sức khỏe tâm thần
Ác mộng có thể liên quan đến nhiều vấn đề về sức khỏe tâm thần, bao gồm trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn lưỡng cực, tâm thần phân liệt và rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD).
Ác mộng là một triệu chứng đặc trưng của PTSD, ảnh hưởng đến 72% số người mắc hội chứng này. Đối với nhiều bệnh nhân, ác mộng là cơ chế tự làm dịu đi những trải nghiệm đau thương, bất lực và thiếu kiểm soát.
Sử dụng thuốc
Một số loại thuốc có thể làm tăng nguy cơ gặp ác mộng ở người dùng, như thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần và các loại ma túy. Việc ngừng sử dụng thuốc sau một thời gian cũng có thể dẫn đến ác mộng.
Nhiều loại thuốc như barbiturat và benzodiazepine làm giảm thời lượng giấc ngủ REM (giai đoạn mơ) mỗi đêm. Khi bệnh nhân ngừng dùng thuốc, cơ thể gặp phải tình trạng gọi là "phục hồi REM". Trong thời gian phục hồi REM, cơ thể cố gắng bắt kịp lượng giấc ngủ đã mất. Vì phần lớn cơn ác mộng xảy ra trong giấc ngủ REM, một số người có nguy cơ gặp ác mộng và những giấc mơ sống động.
Melatonin là một loại hormone thúc đẩy giấc ngủ được cơ thể sản xuất một cách tự nhiên. Nhiều người cũng dùng melatonin như một loại thuốc ngủ không kê đơn và báo cáo tình trạng ác mộng sau khi sử dụng thuốc. Tuy nhiên, hiện có rất ít nghiên cứu liên quan đến tác dụng phụ tiềm ẩn này. Một lời giải thích tiềm năng là việc bổ sung melatonin là tăng thời lượng giấc ngủ REM, từ đó gia tăng cơ hội mơ ác mộng hoặc các loại giấc mơ sống động khác.
Rối loạn giấc ngủ
Một số chứng rối loạn giấc ngủ như mất ngủ, ngưng thở khi ngủ và chứng ngủ rũ có thể làm tăng nguy cơ gặp ác mộng. Ác mộng được báo cáo ở khoảng 17% những người bị mất ngủ kinh niên và 33% người được chẩn đoán mắc chứng ngủ rũ.
Một người được chẩn đoán mắc chứng rối loạn ác mộng nếu tình trạng này tái diễn nhiều lần và cản trở các hoạt động trong ngày. Rối loạn ác mộng là một loại rối loạn giấc ngủ, còn gọi là chứng mất ngủ ký sinh.
Chứng hoảng loạn về đêm là một dạng mất ngủ ký sinh khác, đặc trưng bởi tình trạng hoảng sợ trong khi ngủ, ngủ không yên, đá, khua khoắng chân tay, thậm chí la hét.
Ăn trước khi ngủ
Ăn quá gần giờ ngủ có thể làm tăng nguy cơ gặp ác mộng. Trong một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí PubMed, 9,5% số người được khảo sát báo cáo việc ăn khuya ảnh hưởng đến nội dung giấc mơ của họ. Họ không rõ liệu bữa ăn dẫn đến ác mộng hay có nguyên nhân khác giải thích cho hiện tượng này.
Thục Linh (Theo Sleep Doctor)