Sau một vài ngày, Blueweiss dần lấy lại nhận thức, nhận ra mình đang ở phòng chăm sóc đặc biệt của bệnh viện NewYork-Presbyterian/ Trung tâm Y tế Weill Cornell, Manhattan. Những lời "dọa nạt" anh đọc được lúc trước là màn hình hiển thị tình hình sức khỏe của anh.
Blueweiss bắt đầu cảm nhận những cơn đau nhức ở má, chân, tay vì phải đặt máy thở suốt 15 ngày. Chân và tay quá đau, các ngón tay sưng vù, anh không thể ngồi dậy, hay tự mở khóa màn hình điện thoại để gọi cho vợ. "Khi nào anh được về nhà?", Blueweiss hỏi vợ ngay khi vừa nối máy.
Chia sẻ với truyền thông Mỹ hôm 17/6, Blueweiss cho biết anh được đưa tới 11 North - vốn là một khoa tâm thần mới được chuyển thành khoa hồi sức cho bệnh nhân Covid-19 tại Weill Cornell cuối tháng 4.
Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Covid-19 đỉnh điểm ở thành phố New York thời gian qua, các bệnh viện và nhân viên y tế không còn quá căng thẳng khi đối mặt với số lượng lớn bệnh nhân nguy kịch từng khiến các cơ sở y tế khan hiếm máy thở, máy lọc máu, thậm chí thuốc an thần một cách trầm trọng.
Những nhân viên y tế tuyến đầu trong cuộc chiến với Covid-19 phải chuyển công việc từ các đơn vị chăm sóc đặc biệt tới khoa hồi sức, trong đó có 11 North. Tại những khu vực này, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân Covid-19 nặng nhất có thể phải trải qua một quá trình dài và gian khổ mới hồi phục.
Những bệnh nhân sống sót sau thời gian dài chăm sóc đặc biệt hậu phẫu thuật tim, tai nạn giao thông, bị bắn, nhiễm trùng huyết hoặc suy hô hấp, thường mất một thời gian dài để hồi phục. Một số bệnh nhân bị suy giảm nhận thức, khó tập trung, nhiều người gặp khó khăn quay trở lại công việc. Khoảng 33% mắc các chứng lo âu, trầm cảm, rối loạn căng thẳng sau sang chấn, tiến sĩ Lindsay Lief, bác sĩ chuyên khoa phổi tại Weill Cornell nói.
"Trong thời đại Covid-19, tôi nghĩ tình trạng này sẽ nghiêm trọng hơn nhiều lần", Cornell bổ sung. Bà từng chịu trách nhiệm làm việc với các bệnh nhân hậu chăm sóc đặc biệt trong nhiều năm.
Cornell nhấn mạnh thời gian điều trị của một bệnh nhân Covid-19 bình thường tại phòng chăm sóc đặc biệt vốn đã dài hơn các bệnh nhân khác (một nghiên cứu chỉ ra khoảng thời gian này kéo dài ít nhất hai tuần), đồng nghĩa bệnh nhân mất nhiều cơ hơn và tăng nguy cơ gặp các vấn đề sức khỏe khác.
Ngay cả những bệnh nhân Covid-19 có phổi gần như phục hồi vẫn có thể bị suy nhược sau thời gian dài nằm trên giường bệnh trong phòng chăm sóc đặc biệt, nơi họ được truyền thuốc an thần liều cao, đôi khi bị liệt. Một số người học cách nuốt thức ăn sao cho không bị nghẹn. Một số suy giảm nhận thức, gặp các vấn đề phát âm, trò chuyện. Số khác sang chấn tâm lý, không sẵn sàng tự chủ lại cuộc sống cá nhân.
"Rất nhiều bệnh nhân nói với tôi họ thấy lạc lõng", bác sĩ Alka Gupta, giám đốc đơn vị tại 11 North chia sẻ. "Nhiều người gặp ác mộng về đêm và sợ ở một mình".
Một phụ nữ trẻ tại phòng chăm sóc đặc biệt không thể nhớ tên chính mình trong hơn một ngày. Một người nhập cư tuổi trung niên sau khi tỉnh dậy tin rằng một cuộc nội chiến đang nổ ra ở quê nhà.
Số khác chia sẻ họ sợ phải nhắm mắt ngủ mỗi đêm vì lo lắng khi tỉnh dậy sẽ lại phải đeo máy thở. Gupta nhớ lại một bệnh nhân tại 11 North cầu xin bác sĩ tiếp tục đặt ống thở cho cô vì lo sợ phổi một lần nữa gặp vấn đề, dù cô được kết luận không cần dùng tới ống thở nữa và mới được bác sĩ tháo trước đó 10 phút.
Song, với các bác sĩ, những bệnh nhân này vẫn còn may mắn. Tính đến giữa tháng 5, hơn 220 bệnh nhân tại Weil Cornell tử vong vì Covid-19. Những bác sĩ mất tinh thần vì số ca tử vong liên quan Covid-19 chuyển công tác tới 11 North để thăm những bệnh nhân sống sót. Đây được coi như cuộc hành hương của các bác sĩ - đơn vị hồi sức là nơi mang lại nhiều hy vọng nhất trong bệnh viện.
Cánh cửa của 11 North nhìn ra phía Đông, đảo Roosevelt và khu vực xả khí thải của một nhà máy tại Queens. Những ngày này, khoảng 30 bệnh nhân được điều trị ở khoa hồi sức. Hơn 60 người đã được xuất viện.
Những âm thanh ở khu vực hồi sức cũng rất đặc biệt: những tiếng lớn, tiếng bước chân rầm rầm khi bệnh nhân chống gậy tập đi bộ ở hành lang, những tiếng động viên từ nhà trị liệu vật lý Matt Descovich , nhắc nhở bệnh nhân tập đi để chóng được về nhà.
Blueweiss nhiều hôm tỉnh giấc nửa đêm vì những cơn đau dây thần kinh và đau người vì nằm giường quá lâu. Mỗi ngày, anh tập vật lý trị liệu 90 phút, tập đi từng đoạn đường ngắn, lên xuống hành lang, song luôn tránh các buổi trị liệu theo nhóm, cũng không muốn giao tiếp với những bệnh nhân khác cùng tập vật lý trị liệu.
"Tôi nghĩ mọi người đang tái hòa nhập một cách khá thận trọng", Gupta nói. "Tôi hơi bất ngờ vì điều này".
Thậm chí những bệnh nhân cùng phòng cũng ít hỏi han, làm quen lẫn nhau. Trong một phòng, một người đàn ông Thổ Nhĩ Kỳ do tay còn quá yếu nên làm rơi điện thoại. Một bệnh nhân giường bên cạnh từ từ cúi xuống nhặt giúp rồi đưa cho chàng trai, sau đó quay lại tiếp tục cuộc trò chuyện với gia đình trên thiết bị riêng của họ.
Các bệnh nhân cũng không có nhiều chủ đề để nói chuyện. Phần lớn bệnh nhân không được gặp gia đình họ từ khi nhập viện ba, bốn tuần trước đó.
Thông thường, các bệnh nhân hay truyền tai nhau những câu chuyện trong bệnh viện, Hiện, mọi thứ đang xảy ra ngược lại. Rất nhiều bệnh nhân không nắm được tình hình xung quanh trong thời gian nằm viện.
35 ngày sau khi Blueweiss nhập viện, Cates, vợ của anh mới được vào thăm chồng. Khi cô bước vào, Blueweiss thậm chí nhầm vợ mình với y tá, bởi cô đeo khẩu trang che gần kín mặt.
"Là em. Em là vợ anh đây. Em đến rồi đây", Cates nhớ lại lời từng nói với chồng.
Blueweiss xuất viện với một cây gậy chống, một máy tập đi bộ, một chiếc xe lăn khi di chuyển xa, một y tá và một bác sĩ vật lý trị liệu tới khám định kỳ tại nhà. Anh được Cates đẩy trên chiếc xe lăn xuất viện trong tiếng vỗ tay, cổ vũ của bác sĩ và các nhân viên y tế.
"Giờ tôi mới có cảm giác dần trở về cuộc sống bình thường", Blueweiss nghẹn ngào.
Từ phòng bệnh, Blueweiss đã một vài lần nghe tiếng vỗ tay ngoài hành lang vọng vào, nhưng anh không hề biết bệnh nhân nào đang được xuất viện. Nằm trên giường, anh tưởng tượng người đang đi giữa những tràng vỗ tay đó là mình. Giờ, anh đã thực sự được xuất viện.
Lê Hằng (Theo New York Times)