Thời gian giấc ngủ REM càng dài, khả năng gặp ác mộng càng cao. Ác mộng thường là trải nghiệm cảm xúc chứ không giống giấc mơ đơn thuần. Vì thế, nhiều người gặp tình trạng này cảm thấy sợ hãi, đau khổ khi thức giấc thay vì nhớ chi tiết vừa xảy ra. Ai cũng gặp ác mộng một vài lần trong đời nhưng phổ biến hơn ở người trưởng thành.
Nhiều người gặp ác mộng về cái chết, phản bội, mất mát, bị ai đó đe dọa, gặp nguy hiểm... Nó thường tự phát nhưng cũng có thể xảy ra bởi nhiều yếu tố và rối loạn sức khỏe tiềm ẩn.
Người có thói quen ăn đêm làm tăng quá trình trao đổi chất, não hoạt động nhiều hơn cũng là nguyên nhân. Một số loại thuốc như chống trầm cảm, an thần, điều trị huyết áp, tác động lên các chất hóa học trong não cũng dễ gặp ác mộng. Nếu tần suất ác mộng có xu hướng gia tăng khi đổi thuốc, người bệnh nên đến bác sĩ khám để tránh biến chứng.
Trường hợp đang cai đồ uống có chứa chất gây nghiện như rượu, bia, thuốc lá cũng có thể dẫn đến tình trạng này. Thiếu ngủ tăng khả năng gặp ác mộng và ngược lại ác mộng làm mất ngủ trầm trọng hơn.
Một số tác nhân tâm lý như rối loạn căng thẳng sau chấn thương, lo lắng, mệt mỏi kéo dài cũng khiến ác mộng tái diễn, xảy ra thường xuyên hơn.
Ác mộng gây mất ngủ, rối loạn giấc ngủ, nếu kéo dài ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe và tinh thần, tăng nguy cơ mắc ngưng thở khi ngủ và hội chứng chân không yên. Thiếu ngủ thường xuyên làm tăng khả năng béo phì, thừa cân, mắc bệnh tim mạch, trầm cảm, tiểu đường...
Để giảm tần suất cần xác định nguyên nhân. Nếu do thuốc, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ nhằm thay đổi liều lượng hoặc đơn thuốc nhằm loại bỏ tác dụng phụ.
Giảm căng thẳng và áp lực trong cuộc sống giúp giảm tần suất gặp ác mộng. Ngủ và thức đều đặn, tập thể dục thường xuyên, thiền định hoặc tập yoga trước khi ngủ.
Nếu gặp ác mộng do thiếu ngủ nên ngủ đúng giờ, không ăn đêm, giảm ánh sáng, tiếng ồn trong phòng ngủ, không sử dụng rượu, bia nhằm cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Anh Chi (Theo WebMD)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp |