Tôi đã đọc tất cả ý kiến bình luận của mọi người về bài viết "23 năm tiết kiệm để có tài sản 12 tỷ đồng" của mình. Với tôi đúng hay sai không quan trọng, vì mỗi người sẽ có một quan điểm sống riêng và các bạn không phải là tôi. Tuy nhiên, qua các bình luận, tôi có thể hiểu được quan điểm sống, sự từng trải, độ nông sâu trong tư duy và cả độ dày chiếc ví tiền của mỗi người. Cảm ơn các bạn đã cho tôi thêm cơ hội để học hỏi, mở mang tầm nhìn về cuộc sống.
Tôi nghĩ rằng, trong cuộc sinh tồn này, mỗi chúng ta đều cần cân bằng giữa động và tĩnh, giữa cống hiến và hưởng thụ, giữa cho đi và nhận về... và luôn luôn học tập, thay đổi tư duy theo hướng tiến bộ, phù hợp với thời cuộc và hoàn cảnh sống của mình.
Mỗi người chỉ có một cuộc đời
Một bộ phận không nhỏ những người trẻ ở Hàn Quốc, Trung Quốc, đang chạy theo lối sống hưởng thụ vì quan niệm "chỉ sống một lần". Họ làm được một nhưng tiêu mười. Họ vay tiền để mua đồ hiệu, đi du lịch... Họ rạng rỡ trong từng khung hình sang chảnh trên trang cá nhân. Và cũng chính họ phải chạy trốn sự săn lùng của các chủ nợ. Hàng ngàn người đã tự tử. Thống kê cho thấy số lượng người tự tử ở Hàn Quốc năm sau cao hơn năm trước khoảng 10%.
Hẳn là vì chỉ được sống một lần nên "ông vua" chứng khoán Warren Buffett đã dành 99% tài sản của mình để làm từ thiện. Bill Gates, Elon Musk, vợ chồng Mark Zuckerberg... hay nhiều tỉ phú Việt Nam, và rất nhiều các bạn trẻ thành đạt trước 30 tuổi chắc chắn cũng nghĩ mình chỉ có một cuộc đời. Tư duy của họ là suy nghĩ của vĩ nhân: nửa đầu cuộc đời kiếm tiền, nửa sau cuộc đời cho đi.
Tôi thích Cristiano Ronaldo vì cậu ta đang sống một cuộc đời rực rỡ. Tôi thích cậu ta vì từ điểm xuất phát thấp, với khát vọng và nghị lực, sự bền bỉ phi thường, đã viết nên những trang vàng của đời mình và lịch sử bóng đá thế giới. Tôi thích cách kỷ luật bản thân trong sinh hoạt và tập luyện của CR7. Tôi thích cách cậu ta ứng xử với cha mẹ, các anh chị với một tinh thần trách nhiệm và yêu thương chân thành. Tôi thích cách cậu ta dành cho các con điều kiện sống, môi trường giáo dục tốt nhất nhưng cũng rất nghiêm khắc. Tôi thích cách cậu ta yêu và tự hào về cô vợ chưa cưới của mình. Cậu ta ứng xử với người hâm mộ rất ấm áp, đầy tôn trọng...
Lionel Messi cũng rất tuyệt theo một cách riêng. Họ đã và đang sống một cuộc đời rực rỡ, đáng sống.
>> Tôi nghỉ hưu sớm trong tư tưởng
Khi con lớn tâm sự về ý định muốn lấy tấm bằng Thạc sĩ ở Hàn Quốc, tôi đồng ý ngay. Con bảo muốn trở thành "hòn đá không bám rêu", tôi hoàn toàn ủng hộ. Nhưng tôi chỉ hỏi con một điều rằng "đã chuẩn bị được những gì cho kế hoạch đó?".
Con nhỏ của tôi muốn du học Trung Quốc. Con nói tự săn học bổng và tôi cũng nhất trí, song cũng có dự liệu của riêng mình. "Mỗi người chỉ có một cuộc đời nên các con hãy làm những gì mình muốn, khi nào mệt thì về với bố mẹ", tôi nói với con mình như vậy.
Tôi đã và đang là một người lành mang bệnh. Bệnh mạn tính của tôi chưa có thuốc chữa, nhưng tôi không lo lắng. Tôi sống trách nhiệm với bản thân và gia đình nên không có gì áy náy cả. Cuộc đời của mỗi người vốn dĩ được đo bằng những việc chúng ta đã làm, chứ không phải ở số năm mình sống.
Tôi quý trọng từng ngày mình còn được hít thở không khí, ngắm mặt trời lên, nên chăm đọc sách, tập yoga, trò chuyện với cha mẹ hai bên, thăm hỏi anh em, bạn bè... Tôi ăn chay 80% và thực hành thiền định, tập luyện mỗi ngày sao cho từng hơi thở, từng bước đi trở nên nhẹ nhõm...
Vì nghĩ rằng quỹ thời gian của đời mình đang dần cạn, nên tôi muốn làm được nhiều việc hơn: báo hiếu cha mẹ, anh em thuận hòa, vợ chồng êm ấm, con cái trở thành người tử tế, tự lập... Tôi hiểu rất rõ rằng mình chỉ có một cuộc đời.
Khi nào thực sự trưởng thành, các bạn trẻ trẻ sẽ thấy những thứ vật chất hào nhoáng bên ngoài không làm nên giá trị của bản thân. Tôi không đeo một trang sức nào trên người (trừ đồng hồ), áo váy kín đáo, nhã nhặn, nhưng tôi luôn rất tự chủ, tự tin, điềm tĩnh, không chút sân si... bởi tôi hiểu mình chỉ có một cuộc đời để sống.
Khi nào thực sự trưởng thành, các bạn sẽ thấy danh tiếng cũng thật phù phiếm. Tôi đã trải nghiệm điều này. Nổi tiếng để làm gì? Tôi đã phải tránh phóng viên truyền hình địa phương, nhiều lần từ chối phỏng vấn. Chắc họ nghĩ tôi mắc bệnh ngôi sao. Khi nổi tiếng, bạn đi đâu cũng bị soi mói, hỏi han, khen ngợi, ngưỡng mộ, và chắc chắn có cả chê bai sau lưng nữa. Như thế rất phiền và mất tự do. Tôi đã chạy trốn sự nổi tiếng bằng cách "giải nghệ" ở lĩnh vực khiến mình nổi tiếng.
Vào một ngày nọ, tôi đem tất cả giấy khen, danh hiệu Chiến sĩ thi đua... ra xếp la liệt. Đó là thành quả hơn hai chục năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục tôi cũng đã nhận. Tất nhiên, tôi vẫn tiếp tục làm tốt vai trò "trồng người", nhưng không màng thành tích nữa. Huân huy chương lớn nhất của nhà giáo chính là thành công của học trò, là tình cảm của học sinh sau khi các con rời mái trường bước vào cuộc sống.
>> Cuộc sống nghỉ hưu tuổi 30 của tôi
Tiêu nhiều để thúc đẩy sản xuất?
Mua sắm nhiều, tiêu dùng nhiều và thải đồ dùng khi chúng chưa hỏng là cách người Nhật giúp nền sản xuất nội địa phát triển. Nhưng cũng vì thế, nhiều nước đã và đang trở thành "bãi rác" của thế giới. Những tiệm bán hàng bãi Nhật vẫn luôn tấp nập người mua cho đến tận bây giờ là một minh chứng cụ thể.
Tiêu thụ nhiều sẽ sản xuất nhiều, giá trị thặng dư chảy vào túi các ông chủ. Song, tài nguyên đang bị khai thác cạn kiệt, thế hệ sau sẽ sống thế nào? Tôi đã đọc ở đâu đó chuyện về một nhà báo Mỹ, sau khi viết một phóng sự về nạn bóc lột lao động trẻ em trong những khu thai thác khoáng sản ở Châu Phi, anh đã sống tiết kiệm hơn, đặc biệt, với các sản phẩm công nghệ, chưa mua cái khác khi cái cũ chưa hỏng.
Tôi cũng học theo lối sống như vậy. Gia đình tôi toàn sử dụng sản phẩm của các hãng uy tín, dăm bảy năm mới có dấu hiệu trục trặc, sửa xong lại dùng tiếp. Điều này cũng đúng khi áp dụng với hôn nhân gia đình. Sai ở đâu sửa ở đó, sửa nhiều lần mà không dùng được thì mới vứt đi.
Nói thêm một chút về tiêu thụ hàng hóa, tôi ước người Việt ta thay vì "giúp các hãng bia rượu xây lâu đài", chúng ta hãy làm cho ngành xuất bản sách tăng doanh thu, các cây bút chân chính được sống bằng nghề của họ. Và hệ quả tất yếu là dân trí tăng lên, kéo theo năng suất lao động tăng, chất lượng cuộc sống cũng được nâng lên và xã hội sẽ ngày càng tiến bộ, văn minh.
Tóm lại, trong xã hội, không ai có thể sống hộ ai, không ai có thể mơ ước giúp người khác. Mỗi chúng ta có mặt trên đời này chính là một ân huệ của tạo hóa, của mẹ cha. Vì thế, ta cứ sống sao cho "khi ta nằm xuống, ta mỉm cười còn mọi người xung quanh khóc". Thế mới là trọn vẹn một cuộc đời.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.