Tôi từng gặp nhiều người trên 60 tuổi nhưng vẫn làm việc miệt mài, không phải vì họ nghèo, phải làm để có miếng cơm manh áo. Hôm đó là chiều mùng Một Tết, bóng đèn điện nhà tôi bị hư, cần mua thay nhưng hiếm có cửa hàng đồ điện nào mở cửa. Ra chợ, tôi chỉ thấy vài tiệm mở, ghé vào mua ở một cửa hàng đồ điện lớn quen thuộc, tôi hỏi: "Mùng Một mà bác cũng bán à, sao thấy bác làm suốt vậy, ít thấy đi đâu, lúc nào cháu ra mua hàng cũng thấy bác ngồi quầy".
Ông chủ cửa hàng đáp: "Tôi chỉ nghỉ hôm 30 Tết để dọn dẹp cúng kiến, sáng Mùng Một họp mặt gia đình, tiếp bà con họ hàng, chiều là mở lại bán hàng. Đã 50 năm nay đều như vậy, tôi ít đi đâu, bán hàng và gặp khách hàng ở chợ này là niềm vui rồi. Con tôi cứ bảo ba làm nhiều, kiếm nhiều tiền để làm gì, không nghỉ hưu, đi chơi Âu-Mỹ cho sướng, hay làm gì mình thích. Nhưng đi đâu một, hai ngày là tôi thấy chán nên thích ở nhà bán hàng hơn. Tôi phụ bán năm 20 tuổi, đến giờ đã 70 rồi".
Lại có ông bác họ của tôi, cũng rất giàu, nhưng vẫn làm việc siêng năng khi đã gần 65 tuổi. Tôi hiếm khi thấy ông đi du lịch, xem ca nhạc, xem phim... hay có những thú vui như chim chóc, hoa lá, cây cảnh nào khác. Tôi hỏi: "Bác không có thú vui nào à? Cháu thấy bác không ăn chơi gì". Ông nói: "Thú vui của ông là công việc, giải quyết xong hết việc là cảm thấy rất vui, tối về đếm tiền, mỗi tháng mua vàng cất, ngắm vàng là thấy vui rồi".
Thế nhưng, cũng có những người chẳng màng đến tiền bạc như những người tu hành, làm công việc thiện nguyện ở các tổ chức... Họ giúp đời, giúp người, đóng góp cho xã hội bằng lời khuyên, bằng tinh thần. Rồi cũng có người theo trào lưu nghỉ hưu sớm, sống tối giản, chẳng có tài sản gì nhiều. Và giờ có cả trào lưu "nằm yên" mặc kệ tất cả (như kiểu thuyết vô vi). Hoặc có người làm cật lực trong thời gian ngắn để có số tiền đủ lớn rồi nghỉ việc và làm những gì mình thích.
Tất nhiên, đó quan điểm sống của mỗi người. Miễn sao họ cảm thấy đó là thú vui, họ thích vậy là được. Chúng ta cũng không thể và không nên chỉ trích, hay cổ súy lối sống nào. Bởi xét cho cùng, thế mới là cuộc sống. Trong xã hội, phải có người thế này, thế kia. Đây chỉ là thiểu số, số phần trăm nhỏ trong cả trăm triệu người ở nước ta.
Còn phần trăm cơ số lớn, theo tôi, nếu họ chạy theo xu hướng cứ cố gắng phải ở thái cực này hay thái cực kia thì cũng không nên, dễ dẫn đến cực đoan. Vì dù ở thái cực nào cũng ít nhiều có cái lợi và hại; có màu hồng, màu đen; có cái hay, cái dở tùy theo điều kiện, hoàn cảnh, sở thích, khả năng... của từng người. Nhưng nếu số lượng người theo một thái cực nào đó quá nhiều thì cái hại sẽ vô cùng lớn, nhiều hơn so với lợi ích.
>> Nhân viên quèn thành CEO nhờ 'biết hưởng thụ'
Thế nên, mọi người cần có góc nhìn đa chiều, nhiều lăng kính khác nhau, đa chiều, và không nên cổ súy, khuyến khích cho một xu hướng nào thái quá, cần phải cân bằng. Tôi cho rằng, cũng không nên quá đề cao quan điểm "không biết rong chơi hưởng thụ là phí đời người" theo kiểu trào lưu YOLO (đời người sống có một lần); cũng không nên chỉ hưởng thụ mà không có tích lũy cho mình và thế hệ sau, bởi những lúc ốm đau, dịch bệnh, mỗi người, mỗi gia đình nếu không có nguồn tích lũy thì sẽ là gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Một bài hát có đoạn: "Anh ơi có bao nhiêu? Sáu mươi năm cuộc đời...". Tất nhiên điều đó cũng có lý. Đa phần nhiều người Việt khi nghỉ hưu ở tuổi 60 là đã già, ngại đi đâu, làm gì khác nếu không phải vì miếng cơm manh áo. Hầu như ở tuổi đó, con người ta cũng mỏi gối, chùn chân, chẳng còn ham muốn hay thú vui gì mới lạ theo xu hướng như lúc tuổi trẻ, thời gian hưởng thụ cũng chẳng còn bao nhiêu.
Thế nên, nếu xem 60 năm là một đời người. Để cân bằng cuộc sống, ta nên chia ra thành ba giai đoạn để phấn đấu: 20 năm đầu để trưởng thành, học hành và phát triển bản thân, xen lẫn là những trải nghiệm nếu có điều kiện. 20 năm kế tiếp là giai đoạn vàng, hăng say lao động, làm việc, tích lũy cả về kiến thức, kinh nghiệm lẫn tài sản, giai đoạn này này nên làm nhiều, hưởng thụ ít. 20 năm tiếp theo làm vừa phải, làm những gì mình thích, đủ sống, hưởng thụ nhiều hơn, chia sẻ nhiều hơn cho người thân, cho gia đình, xã hội (nếu có thể được).
Trong khi chờ đợi chính sách an sinh của nước ta dần tốt lên, hay chờ đợi sự giúp đỡ của người khác, những người yếu thế như chúng ta cũng nên đặt mục tiêu để vươn lên, ít nhiều cũng tự lo được phần nào đó cho bản thân mình. Khả năng kém thì tích lũy ít (vài chục hay vài trăm triệu đồng), khá giỏi thì tích lũy nhiều hơn (vài tỷ, vài chục tỷ đồng), ai siêu giỏi kiếm tiền thì vài trăm, vài nghìn tỷ... Ai cũng cố gắng phấn đấu như vậy thì đất nước mới phát triển, đi lên được.
Giống như cuộc chạy đua marathon, rồi ai cũng phải về đích. Nếu cứ làm tà tà, chúng ta sẽ phải làm việc suốt đời. Nếu làm cực lực, chúng ta sẽ an nhàn về sau. Nhưng nếu chỉ biết làm mà không hưởng thụ thì phí một đời người (tùy điều kiện mà cách hưởng thụ khác nhau).
Trong giáo lý của các tôn giáo, trong các quan điểm triết học, cả trong xã hội, con người thời kỳ nào cũng đều nghiên cứu, tìm hiểu và cố gắng đưa ra các giải thích khác nhau cho những câu hỏi: chúng ta đến từ đâu, sinh ra để làm gì, chết đi về đâu..? Trong cuộc sống, mỗi người, mỗi điều kiện, hoàn cảnh khác nhau, giáo dục khác nhau, sẽ có những triết lý sống, nhân sinh quan khác nhau.
Nhưng tựu chung lại, làm sao cho để chúng ta bớt tham cầu, sân si, sợ hãi, để ta hướng thiện, làm điều lành, hướng đến một cuộc sống hạnh phúc, no đủ, phát triển bền vững, cân bằng trong cuộc sống, thanh thản và tự do, mới là mục đích hướng tới sau cùng.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.