Với tư tưởng "an cư lạc nghiệp", không lạ khi nhiều người Việt luôn đặt chuyện mua cái nhà, sắm chiếc xe lên ưu tiên hàng đầu. Họ xem những thứ của cải vật chất hào nhoáng ấy như một thước đo, phản ánh sự thành công của mỗi người. Cứ mỗi lần đi họp lớp, đám bạn đại học của tôi lại xoay đi xoay lại mấy câu chuyện lương tháng bao nhiêu, tài khoản mấy con số, "ba tầng, bốn bánh" chưa...? Bởi đơn giản đa số chúng ta vẫn quen định giá thành công bằng vật chất sắm sửa được.
Tôi có một người bạn, gia cảnh nhà anh cũng bình thường nhưng lại suốt ngày thích dùng đồ hiệu, ăn cơm cũng phải gọi món đắt tiền trong nhà hàng sang trọng, năm nào cũng đi du lịch nước ngoài mấy lần. Vấn đề là không phải anh ta giàu có hay kiếm nhiều tiền gì. Anh cũng chỉ là nhân viên văn phòng bình thường, lương tháng đâu đó 15 triệu. Nhưng vì chưa lập gia đình, chưa yêu đương gì nên làm bao nhiêu anh "nướng" hết vào mua sắm đồ hiệu, thậm chí vay mượn tiền để hưởng thụ cuộc sống.
Với những ai mới gặp anh lần đầu, chắc sẽ nghĩ đây là thiếu gia con nhà giàu nào đó khi đi xe tay ga đắt tiền, dùng điện thoại thông minh đời mới, quần áo, giày dép toàn hàng hiệu, suốt ngày chụp ảnh đi chơi đây đó sang chảnh... Ấy vậy nhưng, đằng sau cái lớp vỏ hào nhoáng ấy là những bữa ăn mỳ tôm qua ngày, vạy mượn chỗ nọ để đắp vào chỗ kia, nhiều tháng bí quá lại điện về quê xin tiền bố mẹ già dù họ cũng chẳng giàu có gì.
>> Những người trẻ 'nghèo sang chảnh'
Thực ra, với một người có học vấn như anh, đây chẳng phải thứ đam mê mù quáng gì. Bản thân anh hiểu những gì mình đang có, nhưng vì sĩ diện và thể diện, anh vẫn cố đua theo, đánh đu với người giàu. Anh sợ mất mặt với thiên hạ, sợ người ta nghĩ mình nghèo, nên cứ cố đắp lên người lớp vỏ giá trị để ngẩng mặt với đời. Và tôi biết đó cũng là lối sống của nhiều bạn trẻ hiện nay.
Người Việt chúng ta vốn nổi tiếng chơi sang. Nhiều đại gia trên thế giới cũng phải ngạc nhiên trước những con siêu xe mà người Việt tậu về. Tôi có đọc ở đâu đó một nghiên cứu tiêu dùng rằng: nếu một người Đức và một người Việt cùng có trong tay 30.000 USD và đang có ý định mua xe. Người Đức sẽ chọn chiếc xe trị giá 20.000 USD, tiền còn lại họ dành dụm, làm ăn hay tích lũy. Còn người Việt sẽ sẵng sàng vay mượn thêm hàng chục ngàn USD nữa để mua hẳn chiếc xe thuộc phân khúc cao cấp, siêu xe với các thương hiệu có tiếng như Mercedes, Lexus...
Mỗi năm, người Việt cũng bỏ ra hàng tỷ USD để mua sắm điện thoại với những thương hiệu thuộc hàng xa xỉ như Apple, Samsung... Trong khi đó người dân các nước phát triển như Mỹ, Đức, Anh thì hoàn toàn ngược lại. Chuyện này còn kỳ cục hơn khi ta so sánh với thu nhập bình quân của người Việt, vốn chỉ đứng hàng 129 thế giới với 1.960 USD một người. Vậy nhưng họ sẵn sàng chi cả ngàn USD, xếp hàng từ nửa đêm để mua một chiếc smartphone đời mới. Họ mua vì thương hiệu là chính chứ thực ra cũng chẳng dùng hết tính năng mà các sản phẩm này mang lại.
Do nhận thức của nhiều người Việt coi việc dùng xa xỉ là yếu tố "thể hiện sự thành công", nên Việt Nam luôn được coi là điểm nóng cho thị trường tiêu thụ xa xỉ phẩm. Nhiều người coi đẳng cấp của hàng hóa trên người chính là thể hiện phong độ bản thân nên cứ mặc sức vung tiền. Tất cả những điều đó, suy cho cùng cũng chỉ vì "sĩ diện hão" mà ra.
>> Sáng mắt sau hai năm 'nghèo sang chảnh'
Theo tôi, trước khi bạn quyết định chi một khoản tiền lớn để mua sắm thứ gì đó, hãy cần cân nhắc về tài chính và cảm xúc, cụ thể:
Thứ nhất, bạn có đủ khả năng tài chính ban đầu và trong tương lai hay không? Thông thường các khoản vay sẽ dựa trên số % giá trị tài sản, trả cả gốc và lãi hàng tháng. Vậy thu nhập của bạn có ổn định để trả hết số nợ đã vay hay không, có đủ để chi cho các chi phí phát sinh sau này không?
Thứ hai, lý do gì khiến bạn chi tiêu một khoản tiền lớn như vậy? Hãy nghĩ về lý do tại sao bạn lại tiêu tiền để mua nhà, mua ôtô? Ngôi nhà, chiếc xe đó có thực sự cần thiết với bạn? Bạn có thể đủ khả năng thanh toán? Khoản tiền trả góp này có ảnh hưởng gì đến cuộc sống của bạn không?
Thứ ba, hãy chắc chắn rằng bạn nhận thức đầy đủ về các trách nhiệm liên quan. Một chiếc xe mới luôn có vẻ tuyệt vời, nhưng người sử dụng nó có thể phải chi thêm các món tiền bảo trì, xăng, bảo hiểm và các khoản thanh toán cho vay...
Sĩ diện có khi chỉ là một vấn đề nhỏ, nhưng trưởng thành lại là một vấn đề lớn. Tư tưởng không muốn thua kém ai có thể là một động lực tích cực thúc đẩy con người phấn đấu vươn lên, nhưng nó cũng có thể trở thành thứ thuốc mê khiến bạn suy nghĩ lệch lạc, sĩ diện hão. Khi bạn dám từ bỏ sĩ diện của bản thân để kiếm tiền và dùng tiền thông minh, đó là lúc bạn đã trưởng thành.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.