Giang mai là bệnh nhiễm trùng do xoắn khuẩn Treponema pallidum gây ra. Ngày 10/4, tiến sĩ, bác sĩ Đặng Thị Ngọc Bích, phụ trách chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết người đã nhiễm bệnh và điều trị khỏi cũng không giúp cơ thể tạo ra kháng thể (đáp ứng miễn dịch) đủ mạnh để chống lại xoắn khuẩn trong lần xâm nhập tiếp theo, dẫn đến tái nhiễm. Một người có thể tái nhiễm giang mai nhiều lần.
Nhóm bị tái nhiễm nhiều lần là những người thường xuyên quan hệ tình dục không an toàn, nhiều bạn tình, dùng chung các dụng cụ như cắt móng, dao cạo... Trong quá trình khám chữa bệnh, các bác sĩ ghi nhận số ca tái nhiễm ở nam nhiều hơn nữ, phần lớn là nhóm quan hệ đồng giới nam.
Trong một tháng qua, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM điều trị cho 5 trường hợp tái nhiễm giang mai ở người đồng giới, nhiều bệnh nhân tái nhiễm 3, 4 lần.
Như anh Dũng, 42 tuổi, đồng tính nam, phát hiện nốt loét ở miệng nên cùng bạn tình hiện tại tới Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám. Kết quả xét nghiệm huyết thanh cho thấy cả hai dương tính với giang mai. Đây là lần thứ 4 anh Dũng tái nhiễm bệnh trong 15 năm qua.
BS.CKI Quách Thị Bích Vân, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, cho biết anh Dũng và bạn mắc bệnh giang mai giai đoạn muộn. Cả hai được tiêm ba mũi kháng sinh, mỗi mũi cách nhau một tuần. Bác sĩ khuyến cáo anh thông báo cho tất cả người từng quan hệ để họ chủ động đi khám, tránh lây lan bệnh trong cộng đồng hoặc điều trị muộn khiến biến chứng nặng.
Tương tự, anh Linh, 31 tuổi, điều trị khỏi giang mai năm 2021. 8 tháng trước, anh quan hệ tình dục không sử dụng bao cao su vì bạn tình khẳng định bản thân khỏe mạnh, không mắc bệnh. Gần đây, anh nổi sẩn ban tróc vảy kèm ngứa vùng lưng, ngực, bụng; da dày sừng ở tay chân.
Bác sĩ Ngọc Bích chẩn đoán anh Linh tái nhiễm giang mai giai đoạn sớm, tức mắc bệnh dưới một năm, đồng mắc viêm da. Anh được tiêm một mũi kháng sinh theo phác đồ điều trị giang mai, dùng thuốc uống và bôi chữa viêm da. Bác sĩ tư vấn anh Linh đưa bạn tình đến bệnh viện khám nhằm can thiệp sớm nếu mắc bệnh.
Tái khám sau một tháng, anh Linh khỏi viêm da nhưng chưa âm tính với giang mai. Anh cần tái khám, xét nghiệm máu ở các mốc ba tháng, 6 tháng, 12 tháng để theo dõi đáp ứng điều trị. Thông thường, bệnh sẽ khỏi sau ba tháng.
Bác sĩ Vân cho biết hiện chưa có thống kê về tỷ lệ tái nhiễm giang mai ở Việt Nam cũng như thế giới. Có nhiều nguyên nhân khiến nhóm quan hệ đồng giới nam dễ tái nhiễm bệnh như không biết rõ tình trạng sức khỏe của bạn tình, quan hệ theo nhóm, có nhiều bạn tình cùng lúc, sử dụng chung đồ chơi tình dục, quan hệ đường miệng, hậu môn...
Lớp niêm mạc hậu môn và trực tràng rất mỏng, không tiết ra chất bôi trơn giống như niêm mạc âm đạo ở nữ giới. Nếu quan hệ tình dục không sử dụng bao cao su và chất bôi trơn mà dùng chất kích thích, họ rất dễ mất kiểm soát hành vi, có thể gây tổn thương niêm mạc trực tràng và khiến xoắn khuẩn xâm nhập vào cơ thể dễ hơn.
Nhóm quan hệ đồng giới nam dễ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI) khác như HIV, lậu, sùi mào gà... Một số trường hợp quá tin tưởng đối phương hoặc không biết rõ về bạn tình, nhất là tình trạng sức khỏe. Trong khi đó, bạn tình của họ có thể mang nhiều nguy cơ chồng chéo, như đang mắc các bệnh truyền nhiễm khác, có quan hệ cả nam và nữ, thường xuyên thay đổi bạn tình, sử dụng ma túy... khiến nguy cơ mắc giang mai càng cao.
Ngoài ra, giang mai còn lây truyền trực tiếp qua đường máu khi dùng chung dụng cụ tiêm chích; truyền từ mẹ sang con; hoặc lây gián tiếp khi dùng chung dụng cụ làm móng, dao cạo lông hoặc tóc, dụng cụ y tế không được sát khuẩn... Người lành có vết trầy xước tiếp xúc với các vật dụng có dính dịch tiết, máu, mủ của người bệnh, xoắn khuẩn giang mai có thể xâm nhập vào máu.
Các triệu chứng bệnh, nguồn lây nhiễm, phác đồ điều trị giang mai tái nhiễm giống như lần mắc đầu. Tuy nhiên, nếu người bệnh không có triệu chứng, không phát hiện và điều trị sớm, bệnh có nguy cơ lây lan âm thầm trong cộng đồng và diễn tiến nặng thành các biến chứng tim mạch, thần kinh.
Lần đầu biết mắc giang mai, người bệnh thường sốc, hoảng loạn, bối rối tìm nguyên nhân và đường lây bệnh của mình. Tuy nhiên, các ca tái nhiễm khi tới viện khám đã nghi ngờ từ trước, nhiều người chủ động đề nghị bác sĩ làm xét nghiệm giang mai. Người bệnh cũng giữ tâm lý ổn định, dễ chấp nhận tình trạng bệnh và tuân thủ điều trị ngay, theo bác sĩ Bích.
Bác sĩ Bích lưu ý bất kỳ giới tính, độ tuổi hay khuynh hướng tình dục nào đều có thể mắc giang mai và STI. Người có những dấu hiệu như nổi hồng ban nhạt như màu hoa đào, hồng ban tróc vảy ở lòng bàn tay, bàn chân hoặc bất kỳ vị trí nào trên cơ thể nhưng không đau hay ngứa, xuất hiện vài ngày rồi tự biến mất; có vết loét không đau kích thước 2-4 cm ở niêm mạc miệng, bộ phận sinh dục; rụng tóc, sốt, đau họng, nhức mỏi toàn thân... cần đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị. Người có yếu tố nguy cơ lây nhiễm bệnh nên chủ động đi khám sớm.
Trong thời gian điều trị giang mai, chưa có kết quả xét nghiệm âm tính, người bệnh nên kiêng quan hệ tình dục và các hành vi có nguy cơ lây nhiễm cho người khác.
Anh Thư
* Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh da liễu tại đây để bác sĩ giải đáp |