Chẩn đoán HPV (virus u nhú ở người) không chỉ nhằm phát hiện virus mà còn xác định chủng HPV mắc phải. Trong hơn 100 chủng HPV, hầu hết là vô hại, tuy nhiên có 14 chủng nguy cơ cao liên quan đến nhiều bệnh ung thư như ung thư cổ tử cung, ung thư âm hộ, ung thư hầu họng, ung thư hậu môn.
Các phương pháp có thể chẩn đoán HPV gồm phết tế bào cổ tử cung (Pap smear), xét nghiệm HPV hoặc sinh thiết. Phương pháp xét nghiệm được chỉ định tùy thuộc giới tính, độ tuổi và thậm chí cả xu hướng tình dục.
Tuy nhiên, HPV thường không gây ra các triệu chứng rõ ràng, điều này có thể khiến người bệnh trì hoãn thăm khám. Nhiều trường hợp chỉ phát hiện nhiễm HPV khi được chẩn đoán mắc một bệnh ung thư liên quan đến virus này.
Ở phụ nữ, xét nghiệm HPV có thể được thực hiện trong quá trình khám phụ khoa, thực hiện riêng hoặc cùng lúc với xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung. Với Pap smear, bác sĩ thu thập các tế bào ở cổ tử cung và kiểm tra dưới kính hiển vi nhằm phát hiện các dấu hiệu phát triển bất thường, có thể do nhiễm HPV.
Xét nghiệm chẩn đoán HPV được chỉ định trong trường hợp kết quả Pap smear bất thường hoặc như một phần của xét nghiệm sàng lọc định kỳ. Xét nghiệm này có thể được thực hiện cùng lúc và thậm chí trên cùng một miếng gạc với phết tế bào Pap smear (đồng kiểm tra).
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Mỹ (CDC) khuyến nghị sàng lọc HPV tùy theo độ tuổi của phụ nữ và các yếu tố khác gồm:
Phụ nữ từ 21 đến 29 tuổi: Xét nghiệm Pap smear ba năm một lần. Nếu kết quả bất thường, nữ giới có thể thực hiện thêm xét nghiệm HPV.
Nhiễm HPV thường gặp ở phụ nữ ở độ tuổi 20 nhưng hiếm khi dẫn đến ung thư. Hầu hết trường hợp diễn ra trong thời gian ngắn và tự khỏi mà không để lại hậu quả lâu dài.
Phụ nữ từ 30 đến 65 tuổi: Xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung ba năm một lần. Xét nghiệm HPV 5 năm một lần hoặc thực hiện hai xét nghiệm này sau mỗi 5 năm.
Phụ nữ nhiễm HIV từ 21 đến 29 tuổi: Xét nghiệm Pap smear mỗi năm một lần kể từ khi được chẩn đoán. Sau ba lần kết quả bình thường, có thể xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung ba năm một lần, miễn là kết quả bình thường.
Xét nghiệm Pap smear và HPV chỉ mất vài phút để thực hiện. Kết quả chẩn đoán HPV có thể mất nhiều thời gian hơn.
Ở nam giới, hầu hết trường nhiễm HPV xuất hiện một hoặc nhiều mụn cóc trên dương vật, bìu, đùi, bẹn hoặc hậu môn. Tuy nhiên, nếu mụn cóc đã xâm nhập vào bên trong, chỉ có thể kiểm tra ống hậu môn bằng nội soi hoặc sử dụng xét nghiệm phết tế bào hậu môn.
Xét nghiệm phết tế bào hậu môn sử dụng công nghệ tương tự xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung. Tuy nhiên, CDC khuyến cáo không nên sàng lọc Pap smear qua đường hậu môn định kỳ ở nam giới vì không có đủ dữ liệu. Hiện cũng không xét nghiệm nào ở nam giới để xác nhận nhiễm HPV hậu môn hoặc miệng.
Với sinh thiết mụn cóc sinh dục, bác sĩ có thể lấy mẫu mô mụn cóc sinh dục để phân tích trong phòng thí nghiệm tìm tế bào bất thường. Những tế bào này sẽ xuất hiện dạng rỗng hoặc lõm dưới kính hiển vi, là đặc điểm của nhiễm trùng HPV.
Sinh thiết mụn cóc sinh dục có thể được chỉ định nếu mụn cóc chảy máu, viêm hoặc có hình dạng không điển hình; kết quả chẩn đoán HPV không chắc chắn; tình trạng mụn diễn tiến nặng; người bị nhiễm HIV hoặc suy giảm miễn dịch.
Kết quả xét nghiệm dương tính với HPV không đồng nghĩa với ung thư. Bác sĩ theo dõi tình trạng này chặt chẽ bởi nguy cơ tế bào bất thường phát triển thành ung thư chưa rõ ràng. Trường hợp nhẹ có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Nếu tình trạng diễn tiến nghiêm trọng và không điều trị, chúng có thể phát triển thành dạng ung thư sớm được gọi là ung thư biểu mô tại chỗ.
Các phương pháp điều trị hiện nay không chữa khỏi HPV mà nhằm kiểm soát những tình trạng virus gây ra như mụn cóc sinh dục hay các tế bào loạn sản.
Anh Ngọc (Theo Verywell Health)