Ngày 18/6, BS.CKI Nguyễn Đức Hưng, Phó khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết thân chung động mạch vành trái của người bệnh bị hẹp khít hơn 90% và tái hẹp ngay trên nền stent cũ được đặt vào năm 2013, 2017. "Người bệnh có nguy cơ cao tắc nghẽn, đột tử, cần cấp cứu can thiệp tái thông động mạch vành", bác sĩ Hưng nói.
Ca can thiệp tái thông phức tạp do tổn thương thân chung động mạch vành bên trái ở vị trí nguy hiểm. Mạch này không được nuôi bởi các cầu nối hoặc mạch vành bên phải (tổn thương thân chung không được bảo vệ).
Theo bác sĩ Hưng, mạch máu bình thường có độ mềm mại giúp quá trình can thiệp tương đối thuận lợi. Trường hợp ông Hoàng, ê kíp phải thực hiện trên nền stent cũ tái hẹp, những mảng xơ vữa nham nhở vôi hóa phức tạp. Dưới mũi khoan đính kim cương nhân tạo, quay siêu tốc 1.800 vòng mỗi phút, mảng xơ vữa canxi hóa được tán nhỏ. Xử lý xong bề mặt lòng động mạch vành bớt vôi hóa, ê kíp thuận lợi đưa dụng cụ đặt stent.
Ca can thiệp thành công sau 90 phút. Bác sĩ dùng dụng cụ đóng mạch đùi thay vì tay ép cầm máu như trước đây, nhờ đó người bệnh hồi phục nhanh sau vài giờ can thiệp. Sau 8 tiếng, ông Hoàng hết tức ngực, hết khó thở, vận động nhẹ nhàng. Stent nở tốt, áp sát thành mạch, giảm tối đa nguy cơ tái hẹp sau này.
Bác sĩ Hưng cho biết ông Hoàng tuổi cao, mắc bệnh nền cao huyết áp, suy thượng thận do thuốc vì điều trị thoái khớp lâu ngày. Nếu mổ mở cần ít nhất 10 ngày để nằm viện phục hồi, trong khi can thiệp đặt stent chỉ cần nằm viện ba ngày.
Hiện, stent phủ thuốc được sử dụng phổ biến nhất trong các ca can thiệp tim mạch. Sau khi được đặt vào lòng mạch vành, stent giống như lò xo nhỏ, áp sát và nâng đỡ thành mạch, giúp lòng mạch vành rộng ra, khơi thông dòng máu nuôi cơ tim. Quá trình lành sẹo của mạch vành kéo dài 12 tháng từ khi đặt stent. Khung stent tồn tại vĩnh viễn nằm trong thành mạch máu. Lớp thuốc phủ bên ngoài được giải phóng dần.
Sau khi đặt stent, người bệnh phải tiếp tục dùng thuốc để chống lại quá trình nội mạc hóa. Không uống thuốc theo đúng chỉ định có thể dẫn đến hình thành mảng bám gây tái hẹp stent. Ông Hoàng dừng thuốc một thời gian khi Covid-19 bùng phát. "Đây có thể là một trong các yếu tố thúc đẩy việc tái hẹp", bác sĩ Hưng nói. Nhiều trường hợp dù đặt stent đã tối ưu, uống thuốc đầy đủ nhưng vẫn xảy tái hẹp sớm do cơ địa.
Sau khi đặt stent, người bệnh cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, tái khám định kỳ. Người bệnh nên ăn uống khoa học, tăng cường vitamin và chất xơ, hạn chế đồ chiên rán, đóng hộp, nhiều chất béo. Không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia và các loại nước ngọt đóng chai, tập luyện phù hợp, tiêm vaccine phòng cúm, phế cầu theo chỉ định. Người bệnh cao huyết áp, tiểu đường cần khám sức khỏe tim mạch định kỳ để phát hiện sớm bất thường, điều trị kịp thời.
Ly Nguyễn
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |