Trả lời:
Vòi trứng còn gọi là ống dẫn trứng hoặc vòi tử cung, là một trong những cơ quan quan trọng trong hệ thống sinh sản của nữ giới. Vòi có cấu tạo hình ống, rỗng ruột và là "cầu nối" giữa buồng trứng và buồng tử cung.
Mỗi phụ nữ có hai vòi trứng bên phải và bên trái. Vòi bị bít tắc, chít hẹp không thông như bình thường cản trở sự di chuyển và thụ tinh của trứng cùng tinh trùng, cản trở việc có thai tự nhiên.
Phụ nữ bị tắc một bên vòi trứng vẫn có thể có thai tự nhiên không cần điều trị. Với trường hợp của bạn, tắc cả hai vòi trứng thì không có khả năng thụ thai tự nhiên. Bạn muốn có con cần điều trị nội khoa, phẫu thuật nội soi, thông tắc, cắt nối vòi trứng. Với một số phương pháp, người bệnh vẫn có nguy cơ dính, bít tắc trở lại, nguy cơ biến chứng.
Hiện, các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản được nhiều phụ nữ tắc vòi trứng lựa chọn để có con. Trường hợp chỉ tắc một bên vòi trứng và bên còn lại thông, buồng tử cung và buồng trứng bình thường được áp dụng phương pháp bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI).
Bác sĩ chỉ định phương pháp thụ tinh ống nghiệm (IVF) cho người bị tắc cả hai vòi trứng. Bạn sẽ được bác sĩ chọc hút trứng, sau đó cho thụ tinh với tinh trùng ở môi trường phòng thí nghiệm tạo thành phôi. Sau khi canh niêm mạc tử cung đầy đủ điều kiện, bác sĩ chọn phôi chất lượng tốt và chuyển vào buồng tử cung giúp bạn mang thai.
Tùy tình trạng cụ thể, bác sĩ chỉ định phương pháp phù hợp. Do đó, bạn và chồng đều nên đến bệnh viện sớm để được bác sĩ khám toàn diện sức khỏe sinh sản, điều trị, tăng hiệu quả.
Buồng trứng của phụ nữ suy giảm dần theo thời gian cả về số lượng và chất lượng. Thực hiện kỹ thuật IVF ở độ tuổi trẻ có thể thu được nhiều trứng, chất lượng tốt hơn, tăng khả năng tạo nhiều phôi tốt, giúp bạn sớm có con.
Bác sĩ Nguyễn Phúc Hiếu
Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Độc giả có thắc mắc về bệnh hiếm muộn, gửi câu hỏi tại đây |