Bưởi nhiều nước, ít calo và giàu chất xơ, cùng với vitamin và khoáng chất thiết yếu, là một trong những thực phẩm cho chế độ ăn uống lành mạnh. Cụ thể, một quả bưởi nhỏ nặng 200 g chứa 182 g nước và 2,2 g chất xơ.
Loại trái cây này có thể giúp ngăn ngừa táo bón, ung thư đại trực tràng và giúp đường tiêu hóa khỏe mạnh. Tuy nhiên, một số người ăn nhiều bưởi có thể thấy cồn cào, khó chịu dạ dày, gặp các triệu chứng như ợ chua, khó tiêu, trào ngược axit...
Thực quản vận chuyển thức ăn từ miệng đến dạ dày để tiêu hóa. Một dải cơ xung quanh thực quản dưới, được gọi là cơ vòng thực quản, cho phép thức ăn và chất lỏng đi qua dạ dày nhưng ngăn không cho các chất trong dạ dày trào ngược trở lại thực quản. Khi gặp phải các tác nhân như thuốc lá hay thực phẩm dị ứng, cơ vòng thực quản bị suy yếu và cho phép axit dạ dày đi vào thực quản, dẫn đến một loạt các triệu chứng, bao gồm cả khó chịu ở dạ dày. Bưởi, cũng như các loại trái cây họ cam quýt khác, có hàm lượng axit cao có thể kích hoạt hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng trào ngược axit.
Bưởi có nhiều salicylat, hợp chất thường được sử dụng để bảo vệ cây khỏi bệnh, côn trùng, nấm và vi khuẩn. Đối với những người nhạy cảm với salicylate, ăn bưởi có thể gây ra phản ứng bao gồm đau dạ dày, tiêu chảy và buồn nôn. Những người bị nhạy cảm với salicylate thường gặp phải các tình trạng khó chịu đường tiêu hóa tương tự khi ăn táo, dưa lưới, kiwi, trái đào...
Mặc dù khá hiếm nhưng những người bị dị ứng với trái cây họ cam quýt, bao gồm cả bưởi, sẽ thấy khó chịu dạ dày, bao gồm đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn và nôn mửa. Những người mắc chứng không dung nạp bưởi, dù chỉ một lượng nhỏ cũng có thể gặp phải phản ứng.
Anh Chi
(Theo Health Fully, Medical News Today)