Bà An đến khám ở một cơ sở y tế khoảng 10 ngày trước, được chẩn đoán tổn thương thận cấp trên nền bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, tai biến mạch máu não. Bà được kê đơn thuốc điều trị tại nhà.
Bà An cho biết bà tìm hiểu trên mạng rồi tự uống thêm cỏ mực. Mỗi ngày, bà ép 200 g cây, lấy nước uống cùng thuốc bác sĩ kê. Bà uống đến ngày thứ 9, bệnh không giảm, nôn ói nhiều lần, được cấp cứu tại Trung tâm Tiết niệu - Thận học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, ngày 21/7.
BS.CKII Võ Thị Kim Thanh, Phó khoa Nội thận, cho biết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng buồn nôn khi ăn, tiểu ít, phù, mệt, khó thở. Chẩn đoán người bệnh tổn thương thận cấp trên nền bệnh thận mạn kèm hạ kali máu, các bác sĩ truyền thuốc và kali, ổn định huyết áp. Người bệnh đã tổn thương thận, dùng thêm cỏ mực khiến tình trạng nặng nề hơn.
Sau hai ngày điều trị, các triệu chứng của người bệnh giảm, chức năng thận cải thiện, tiểu khá hơn. Tuy nhiên, vài ngày tới, nếu bệnh nhân ít đáp ứng điều trị thuốc, chức năng thận không phục hồi thì phải lọc máu.
Theo bác sĩ Thanh, người bệnh lớn tuổi, nhiều bệnh nền hơn 20 năm, uống nhiều thuốc điều trị nên khả năng hồi phục khó. Hơn nữa, độ lọc của thận giảm dần theo tuổi.
Cỏ mực có nhiều tên gọi như nhọ nồi, hạn liên thảo, bạch hoa thảo, thủy hạn liên... Trong Đông y, cỏ nhọ nồi không độc, có vị chua, ngọt, tính hàn, thường dùng chữa sốt cao, chảy máu cam, mề đay, chảy máu cam, viêm họng, suy nhược... Tuy nhiên, theo bác sĩ Thanh, tác dụng chữa suy thận của loại cây này chưa được khoa học chứng minh.
Tổn thương thận cấp là tình trạng giảm nhanh độ lọc của thận trong vài giờ đến vài ngày, khiến thận không đào thải hết chất độc, chất dư thừa khỏi cơ thể. Bệnh có thể xảy ra ở người có chức năng thận bình thường hoặc đã mắc bệnh thận.
Bệnh thường xuất hiện đột ngột, các triệu chứng có thể gồm nước tiểu ít bất thường, phù chân, đau tức ngực, khó thở, mệt mỏi, buồn nôn và nôn, nặng hơn là co giật, hôn mê. Đôi khi, tổn thương diễn tiến âm thầm, khi có dấu hiệu bệnh đã rất nặng, giảm khả năng điều trị khỏi. Nếu người bệnh tuân thủ chỉ định của bác sĩ, không tự dùng thuốc khác và tái khám đầy đủ có thể khỏi bệnh.
Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, sau khoảng ba tháng, thận có thể mất chức năng và không hồi phục được, dẫn đến suy thận mạn. Bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối cần phải lọc máu suốt đời hoặc ghép thận để duy trì sự sống.
Người từ 60 tuổi trở lên có nguy cơ suy thận cao hơn. Bác sĩ Thanh cho biết một số người tự ý bổ sung những loại thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, thuốc truyền miệng trong dân gian, thuốc giảm đau mà không có chỉ định của bác sĩ. Các loại thuốc này có nhiều cơ chế khác nhau ảnh hưởng đến chức năng lọc của thận, gây tổn thương thận.
Bác sĩ khuyến cáo mọi người khám sức khỏe định kỳ, nhất là người có bệnh mạn tính. Người bệnh chỉ dùng thuốc theo toa bác sĩ, đọc kỹ các nhãn thuốc trước khi dùng. Không tự ý dùng thực phẩm chức năng, bài thuốc gia truyền rao bán trên mạng. Nên xây dựng lối sống lành mạnh; chế độ dinh dưỡng cân bằng, ăn nhạt; tăng cường tập thể dục; hạn chế bia rượu, thuốc lá và các chất kích thích.
Anh Thư
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi.