TS.BS Vũ Lê Chuyên, Giám đốc trung tâm Trung tâm Tiết niệu - Thận học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết suy thận là tình trạng thận bị mất chức năng và không còn khả năng lọc các chất thải từ máu. Đây là giai đoạn cuối của bệnh thận mạn tính. Nếu không được chạy thận hoặc ghép thận, người bệnh khó duy trì sự sống.
Phương pháp lọc máu giúp giảm bớt áp lực cho thận, tuy nhiên, không thể thay thế hoàn toàn chức năng của thận. Người bệnh vẫn có nguy cơ gặp các biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong.
Thiếu máu
Thiếu máu có thể xảy ra ở nhiều người nhưng tình trạng này phổ biến hơn ở người bệnh thận mạn tính. Thận giúp cơ thể tạo ra các tế bào hồng cầu. Khi thận không hoạt động bình thường, cơ thể sẽ thiếu hụt hồng cầu, gây thiếu máu. Người bệnh thiếu máu trong giai đoạn đầu và trầm trọng hơn ở giai đoạn 3, 4 và 5.
Bệnh tim
Bệnh tim mạch và thận có mối quan hệ mật thiết với nhau. Bệnh tim là nguyên nhân gây tử vong phổ biến nhất ở người đang lọc máu. Bác sĩ Chuyên lý giải bệnh tim ảnh hưởng đến tuần hoàn máu. Máu bị ùn ứ ở tim gây ra áp lực tích tụ trong tĩnh mạch chính nối với thận, có thể dẫn đến tắc nghẽn và giảm cung cấp máu chứa oxy cho thận. Đây là nguyên nhân dẫn đến ra một số bệnh ở thận.
Khi thận hoạt động không tốt, hệ thống hormone điều hòa huyết áp phải làm việc nhiều hơn để tăng lượng máu cung cấp cho thận. Khi đó, tim phải hoạt động nhiều hơn, dẫn đến bệnh tim.
Bệnh về xương và tăng phốt phát trong máu
Canxi, vitamin D và phốt pho giúp xương chắc khỏe. Thận khỏe giữ cho hàm lượng các chất này trong cơ thể ổn định và bảo vệ sức khỏe của xương. Nếu thận bị suy giảm chức năng thì không thực hiện được vai trò cân bằng này. Khi thận yếu, phốt pho không được đào thải ra ngoài, tích tụ trong máu, gọi là tăng phốt phát trong máu, dẫn đến nguy hiểm.
Tăng kali máu
Kali chủ yếu tồn tại trong thực phẩm và giúp các cơ hoạt động, bao gồm cả các cơ kiểm soát nhịp tim, hơi thở. Tương tự như phốt pho, nếu thận suy giảm chức năng không thể hoặc không đào thải hết kali dư thừa, làm tăng kali máu.
Tăng kali máu có thể gây đau tim hoặc dẫn đến tử vong. Triệu chứng phổ biến nhất là mệt mỏi, yếu ớt, đau bụng, buồn nôn, đau cơ hoặc chuột rút, khó thở, nhịp tim bất thường, đau ngực...
Tích tụ nước
Thận khỏe mạnh sẽ loại bỏ chất lỏng dư thừa trong máu, tránh nguy cơ tích tụ, dẫn đến các vấn đề ở tim và phổi, huyết áp cao... Biểu hiện của tình trạng này là tim đập nhanh, bàn chân sưng tấy. Khi cơ thể tích tụ nước, người bệnh thường được khuyên hạn chế uống nước, thực hiện chế độ ăn ít muối...
Ảnh hưởng tinh thần
Theo bác sĩ Chuyên, suy thận không chỉ tác động xấu đến sức khỏe thể chất mà còn gây áp lực lên tinh thần. Bệnh thận càng nặng, người bệnh càng dễ căng thẳng, suy sụp do gặp áp lực tài chính khi chạy thận, phải tuân thủ lịch lọc máu nghiêm ngặt. Người bệnh có thể cảm thấy trở thành gánh nặng cho người khác, đau đớn, mệt mỏi, ngủ kém, ăn uống kiêng khem; công việc và sinh hoạt đời sống bị ảnh hưởng...
Bác sĩ khuyên người bệnh nên bình tĩnh, giữ tâm lý thoải mái, tuân thủ đúng hướng dẫn điều trị. Khi người bệnh và người thân gặp khó khăn, bất ổn về tinh thần nên trao đổi với bác sĩ điều trị để tìm ra giải pháp tốt nhất.
Minh Châu