BS.CKII Tạ Phương Dung, Phó giám đốc Trung tâm Tiết niệu - Thận học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều trị bệnh thận mạn. Chế độ ăn uống của bệnh nhân thận mạn phải được kiểm soát nghiêm ngặt về thành phần, hàm lượng, đảm bảo theo khuyến cáo của bác sĩ. Trong đó, người bệnh cần lưu ý nhất là giảm muối, giảm đạm và giảm phốt pho, kali.
Giảm muối
Người bình thường phải hạn chế muối để đề phòng bệnh tăng huyết áp, bệnh tim, bệnh thận. Người bệnh thận mạn càng cần hạn chế lượng muối nạp vào hàng ngày. Ăn quá nhiều muối dễ dẫn tới khát nước, uống nhiều và gây ra giữ nước, thận và tim làm việc nhiều hơn dẫn đến sưng tấy, tăng huyết áp.
Người trưởng thành có bệnh thận mạn lượng muối tiêu thụ không nên quá 2.000 mg một ngày, trẻ em dưới 1.000mg một ngày. Với người trên 50 tuổi hoặc có tiền sử tăng huyết áp, hàm lượng khuyến cáo là 1.500 mg một ngày.
Cách giảm muối đơn giản nhất là không nêm muối vào thức ăn khi chế biến. Người bệnh có thể thay thế bằng các loại thảo mộc tươi, nước cốt chanh hoặc các loại gia vị không có muối khác. Thực phẩm đóng hộp hay thực phẩm chế biến sẵn (xúc xích, thịt xông khói, cá khô...), đồ muối chua nên hạn chế sử dụng. Nguyên nhân là thực phẩm chế biến sẵn thường chứa hàm lượng muối khá cao, có thể gây nguy hiểm cho người suy thận.
Giảm đạm
Người bệnh thận mạn nếu ăn quá nhiều chất đạm (protein) khiến thận làm việc nhiều hơn và gây ra nhiều tổn thương hơn. Dù cần giảm protein nhưng vẫn cần cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể hoạt động. Trường hợp thiếu hụt đạm, cơ thể sẽ lấy protein từ cơ bắp, sinh ra chất thải nitơ làm tăng gánh nặng cho thận nhiều hơn. Đạm từ thực vật như đậu nành, đậu xanh thường được ưu tiên hơn các loại đạm từ động vật như thịt bò, thịt heo, gà...
Theo bác sĩ Dung, tùy từng giai đoạn bệnh mà chế độ ăn cần lượng đạm phù hợp. Bệnh thận mạn giai đoạn ba và 4 có chế độ đạm thấp và rất thấp, khoảng 0,3-0,6 g protein trên mỗi kg một ngày.
Người bệnh thận mạn giai đoạn 5 đã lọc máu cần ăn đạm bình thường, đủ 35 kcal trên mỗi kg một ngày. Một số trường hợp cần tăng lượng đạm do bị mất một phần đạm trong quá trình lọc máu hoặc do bệnh nhân quá kiêng khem trong giai đoạn điều trị trước khi lọc máu.
Giảm phốt pho và kali
Khi suy thận mạn giai đoạn 4-5, chức năng hoạt động của thận chỉ còn 70% hoặc thấp hơn, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân hạn chế ăn những thực phẩm chứa nhiều phốt pho hoặc kali. Việc này nhằm giảm tải cho thận, hạn chế nguy cơ phát sinh biến chứng liên quan đến việc hàm lượng hai chất điện giải trên tích tụ quá mức trong cơ thể.
Hàm lượng phốt pho trung bình cần tiêu thụ ở người trưởng thành là 800-1.000mg một ngày và kali là 1.000mg một ngày hoặc thấp hơn. Khi chức năng thận giảm, mức kali và phốt pho cần giảm hơn nữa.
"Phốt pho có thể tích tụ nhiều trong máu, dẫn đến dư thừa nhiều gây cường giáp, loãng xương và dễ gãy, xơ vữa hoặc rối loạn mạch máu, khô da gây ngứa, đỏ mắt...", bác sĩ Phương Dung nói.
Tùy thuộc vào giai đoạn bệnh thận, bác sĩ cũng có thể kê một loại thuốc giúp giữ cho phốt pho không tích tụ trong máu. Do đó, người suy thận cần theo dõi lượng phốt pho ăn hàng ngày, tránh ăn các thực phẩm nhiều phốt pho như phô mai, sữa, lòng đỏ trứng, các loại rau quả khô, ngũ cốc nguyên cám, cá mòi, hàu...
Nồng độ kali trong máu của người bệnh suy thận cũng cần giữ ở mức bình thường. Nếu nồng độ kali trong máu tăng cao có khả năng gây ra những vấn đề nguy hiểm cho tim mạch, cơ bắp, thậm chí gây ngưng tim, ngưng thở và tử vong.
Nên tránh ăn các loại trái cây, rau củ quả giàu kali như chuối, rau dền, dưa, cam, nước dừa, hoặc tránh dùng các loại thuốc có chứa kali trong thành phần của thuốc. Táo, dâu, việt quất, mâm xôi, thơm, súp lơ, bắp cải, khoai tây, rau chân vịt, ớt... có hàm lượng kali thấp.
Người bệnh thận mạn cần tránh ăn rau sống, nên ăn rau luộc chín kỹ hơn bình thường. Nếu suy thận ở giai đoạn 4-5, bác sĩ có thể cho người bệnh dùng chất kết dính kali, giúp cơ thể thải thêm kali ra ngoài.
Anh Thư