Phương pháp điều trị như thế nào? (Minh Tuấn, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai)
Trả lời:
Suy gan là tình trạng suy giảm chức năng gan, xảy ra khi tổ chức gan bị tổn thương và không có khả năng đảm nhiệm các hoạt động bình thường. Đây là giai đoạn cuối của nhiều bệnh gan, khi phần lớn cơ quan đã tổn thương, khó có thể phục hồi được. Suy gan mạn thường là hậu quả của nhiều bệnh lý gan mạn kéo dài, gây ra bởi các nguyên nhân như viêm gan siêu vi B, C; rượu; bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu; viêm gan tự miễn và nhiều bệnh lý gan mạn khác...
Bệnh gan thông thường tiến triển theo 4 giai đoạn:
Giai đoạn đầu là viêm gan, lúc này hoạt động của gan yếu đi, nhưng chưa có triệu chứng rõ rệt và người bệnh chưa cảm thấy khó chịu, đau đớn.
Giai đoạn 2 là giai đoạn xơ hóa, nếu không được điều trị sẽ để lại sẹo. Mô sẹo tích tụ trong gan và cản trở quá trình lưu thông máu đến các bộ phận khác. Ở giai đoạn này, gan vẫn có khả năng chữa lành nếu được chăm sóc và điều trị kịp thời.
Giai đoạn 3 là giai đoạn xơ gan, mô sẹo được hình thành và phát triển nhiều hơn thay thế dần các mô khỏe mạnh. Hoạt động gan ảnh hưởng nghiêm trọng, người bệnh cảm nhận các triệu chứng rõ ràng hơn.
Giai đoạn 4 là suy gan. Khi này, chức năng gan suy giảm ở mức cao nhất, người bệnh phải đối diện với các vấn đề nguy hiểm như: xuất huyết, báng bụng, tổn thương thận cấp, hôn mê, đôi khi có thể tử vong.
Trường hợp của ba bạn bị suy gan mạn tính vẫn có thể điều trị nếu sử dụng phương pháp phù hợp. Tùy vào giai đoạn suy gan cũng như nguyên nhân gây bệnh sẽ có phương pháp điều trị thay đổi theo từng bệnh nhân, có thể điều trị bằng nội khoa (dùng thuốc) hoặc ngoại khoa (phẫu thuật ghép gan).
Về nội khoa: Việc điều trị nội khoa thường chỉ giúp kéo dài sự sống, hạn chế các biến chứng nặng, chờ đợi cho tiến trình ghép gan chứ không thể chữa khỏi hoàn toàn. Các phương pháp có thể sử dụng là điều trị loại bỏ các nguyên nhân gây ra suy gan như: viêm gan siêu vi B, C, thuốc, độc chất... Người bệnh thay đổi chế độ dinh dưỡng và lối sống, tránh sử dụng rượu bia, thuốc lá; hạn chế ăn thịt đỏ, trứng, phô mai...; giảm cân; kiểm soát huyết áp, tiểu đường; cắt giảm lượng muối tiêu thụ hàng ngày... Người bệnh có thể sử dụng các thuốc hỗ trợ chức năng gan.
Về ngoại khoa: Ghép gan là phương pháp lựa chọn cuối cùng cho người suy gan mạn. Giai đoạn này gan bị tổn thương nghiêm trọng và không còn khả năng hoạt động. Phương pháp phẫu thuật là loại bỏ vùng gan bị tổn thương và thay thế bằng gan khỏe mạnh từ người hiến tặng. Sau khi phẫu thuật, người bệnh có thể trở lại sinh hoạt bình thường trong vòng 6 tháng. Tuy nhiên, người bệnh phải áp dụng các phương pháp chăm sóc y tế suốt đời để đảm bảo gan ghép luôn hoạt động hiệu quả.
Suy gan là một bệnh lý nguy hiểm, nhất là bệnh phát hiện ở giai đoạn muộn. Do vậy, cần có biện pháp phòng ngừa bệnh từ sớm như xây dựng lối sống lành mạnh, có chế độ dinh dưỡng, vận động thể chất và nghỉ ngơi hợp lý, hạn chế rượu bia. Người bệnh cần theo dõi và điều trị viêm gan B, C, nên sử dụng thuốc điều trị theo chỉ định của bác sĩ.
Mọi người nên thăm khám sức khỏe định kỳ, giúp tầm soát, phát hiện bệnh (nếu có) ở giai đoạn sớm để điều trị đơn giản, hiệu quả. Ngoài ra, mọi người có thể chủ động bổ sung các tinh chất bảo vệ gan từ thiên nhiên đã được kiểm chứng khoa học như S. Marianum và Wasabia để hỗ trợ chống độc cho gan và hạn chế các yếu tố gây viêm, hỗ trợ bảo vệ chức năng gan.
Bác sĩ Võ Đăng Toàn
Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Nếu độc giả có thắc mắc cần giải đáp về bệnh gan và các bệnh tiêu hóa khác có thể gửi câu hỏi tại đây.