Sau một tuần điều trị tại chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP HCM, tay và chân ông Đặng Văn Nam (53 tuổi, Đồng Nai) bớt sưng, giảm ngứa, các vết thương lành lặn. Dự kiến 2-3 tuần nữa, người bệnh bắt đầu tập lại những bước đi sau thời gian dài bị chàm tổ đỉa.
Vốn làm nghề phụ hồ, ông Nam thường xuyên tiếp xúc với gạch đá, xi măng, vôi vữa. 6 tháng trước, tay và lòng bàn chân ông nổi mụn nước nhỏ ti li, ngứa dai dẳng, sưng đỏ ở ngón tay và chân. Nghe hàng xóm, ông dùng nước muối ngâm chân nhưng không đỡ. Mụn nước nổi nhiều hơn, kích thước to dần như các nốt phỏng. Mỗi lần bước đi các nốt phỏng ở lòng bàn chân vỡ ra, rỉ dịch. Cơn đau khiến ông đi lại khó khăn, mất ngủ, phải nghỉ việc.
Ông Nam đã đến 3 bệnh viện lớn ở TP HCM điều trị nhưng không đỡ. Hơn 6 tháng nghỉ làm để chữa bệnh, ông sụt hơn 6 kg, mất ngủ triền miên. "Tôi cứ thấy bệnh viện nào lớn là kêu con đưa đến khám. Bác sĩ đều cho thuốc uống. Điều trị không đỡ là tôi đổi bệnh viện", ông nói.
Thăm khám tại BVĐK Tâm Anh TP HCM hồi tháng 5, ông Nam được TS.BS Đặng Thị Ngọc Bích, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, chẩn đoán bị chàm tổ đỉa gây sưng. Những bóng nước ở chân, tay vỡ ra làm viêm loét, nhiễm trùng, ngứa, đau nhiều, khó đi lại. Ông Nam được kê thuốc uống, thuốc bôi chống nhiễm trùng, giảm viêm, ngứa và các loại vitamin tăng cường sức đề kháng.
Sau một tuần điều trị, tay và chân bệnh nhân hết sưng, vết thương dần lành lặn, giảm ngứa. Ông được bác sĩ chỉ định tiếp tục điều trị bằng thuốc bôi chống nhiễm trùng, giúp vết thương sớm lành, và hướng dẫn cách chăm sóc da để phòng bệnh tái phát.
TS.BS Đặng Thị Ngọc Bích cho biết, bệnh chàm tổ đỉa là một loại viêm da, có tên khoa học Dyshidrotic Eczema hoặc Pompholyx. Bệnh có điểm đặc trưng là nổi mụn nước ở lòng bàn tay, bàn chân. Các mụn nước kết hợp với nhau hình thành mụn nước lớn. Bệnh gây ngứa, đau, các mụn nước vỡ ra gây cứng vùng da xung quanh. Bệnh có thể xuất hiện lặp đi lặp lại tạo vết nứt và dày da.
Chàm tổ đỉa do nhiều nguyên nhân gây ra như: di truyền, người có cơ địa nhạy cảm, người mắc các bệnh hen suyễn, viêm mũi dị ứng, dị ứng thực phẩm... Sức đề kháng yếu, sinh hoạt không điều độ, sử dụng thực phẩm dễ dị ứng cũng là điều kiện cho chàm tổ đỉa xuất hiện. Ngoài ra, những người làm nghề tiếp xúc hóa chất như thợ hồ, thợ sơn, thợ đánh vecni, người làm nghề tóc, làm móng, làm vườn, làm nông... có nguy cơ cao bị chàm tổ đỉa.
Để phòng bệnh, bác sĩ Bích khuyên người dân nên hạn chế tiếp xúc trực tiếp với hóa chất dễ gây dị ứng như: hóa mỹ phẩm dùng trong công nghiệp tẩy rửa, xi măng, sơn, hóa mỹ phẩm có mùi hơi nồng... Đeo bao tay khi làm việc, kể cả khi rửa chén, giặt đồ... để bảo vệ da. Sử dụng các loại xà bông dịu nhẹ, xà bông không xút (NaOH hoặc KOH), xà bông có độ pH trung tính với da. Người bệnh cần dưỡng ẩm da thường xuyên bằng kem dưỡng ẩm không mùi. Có chế độ ăn uống lành mạnh, đủ dinh dưỡng, tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày với 5 ngày mỗi tuần.
Khi có các triệu chứng lạ trên da, mọi người nên gặp bác sĩ da liễu để được thăm khám và điều trị kịp thời. Tránh tự mua và sử dụng thuốc lạ có thể gây biến chứng nặng, kéo dài thời gian và tăng chi phí điều trị.
Đinh Tiên