Theo thạc sĩ, bác sĩ Vũ Thị Thùy Trang, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, viêm da dị ứng (hay còn gọi là chàm cơ địa, chàm thể tạng) là bệnh lý khá phổ biến, thường xuất hiện nhiều ở trẻ dưới 5 tuổi và không có tính lây nhiễm. Thống kê tỷ lệ dân số mắc bệnh cho thấy, người châu Á chiếm khoảng 13%, trong khi đó người da trắng vào khoảng 11%, 10% là người da đen và 13% là người Mỹ bản địa.
Viêm da dị ứng được chia thành hai cấp độ là cấp tính và mạn tính. Trong đó, cấp độ cấp tính thường kéo dài từ vài ngày cho tới vài tháng, với triệu chứng phù nề, nóng rát, ửng đỏ, có mụn nước dễ vỡ và chảy dịch. Trong khi viêm da dị ứng mạn tính có tình trạng tái đi tái lại nhiều lần, gây ra nhiều tổn thương hơn và điều trị khó khăn hơn.
Nguyên nhân và triệu chứng
Bác sĩ Thùy Trang cho biết nguyên nhân gây viêm da dị ứng bắt nguồn từ việc hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức khi da tiếp xúc với các chất kích ứng bên ngoài như chất tẩy rửa, thời tiết thay đổi, bụi, phấn hoa, lông thú. Bệnh cũng có thể gặp khi thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ hoặc kỳ kinh nguyệt, căng thẳng tâm lý, nhiễm trùng da. Ngoài ra, khi ba mẹ mắc bệnh dị ứng thì khi con cũng có nguy cơ bị viêm da cơ địa cao hơn bình thường.
Triệu chứng đầu tiên phổ biến nhất của viêm da dị ứng là ngứa ngáy và da nổi mẩn đỏ. Tiếp theo da dần xuất hiện các biểu hiện như thô ráp, bong tróc, dễ bị viêm và kích ứng... Những dấu hiệu này có thể bùng phát nhanh chậm khác nhau ở bất cứ vùng da nào trên cơ thể nhưng thường tập trung ở vị trí cánh tay, khuỷu tay, mặt sau đầu gối, vùng má hoặc da đầu.
Ngoài ra người bệnh cũng có khả năng thấy xuất hiện trên da các mảng tối màu hoặc có màu đỏ, nâu xám; nổi mụn nước nhỏ, chảy dịch khi bị vỡ; các mảng da đóng vảy khô hay phồng rộp. Trong trường hợp viêm da diễn biến nặng có thể gây chán ăn, sốt, mệt mỏi...
Chẩn đoán và điều trị
Để xác định tình trạng viêm da dị ứng, bác sĩ sẽ dựa trên kết quả kiểm tra các dấu hiệu lâm sàng trên da và tiền sử bệnh, đồng thời chỉ định thực hiện một số xét nghiệm để loại trừ các bệnh ngoài da khác.
Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Thị Thùy Trang chia sẻ, việc điều trị chủ yếu là loại bỏ nguyên nhân gây dị ứng bằng cách tầm soát các dị ứng nguyên. Tuy nhiên cho đến nay, y khoa chỉ mới tìm ra được một số ít dị ứng nguyên trong không khí, môi trường và thực phẩm, vì vậy rất khó kiểm soát được bệnh. Tùy vào loại cơ chế gây viêm da dị ứng và tình trạng bệnh mà có cách điều trị khác nhau, nhưng phổ biến nhất là dùng thuốc và sử dụng tia cực tím hay đèn chiếu.
Với trường hợp dùng thuốc, bác sĩ sẽ kê các thuốc dạng kem hoặc mỡ corticosteroid sau bước dưỡng ẩm, thuốc có thành phần là chất ức chế calcineurin (dành cho trẻ từ 2 tuổi trở lên và người lớn). Nếu da có vết loét hoặc xuất hiện dấu hiệu nhiễm trùng, người bệnh được chỉ định dùng thêm thuốc kháng sinh dạng uống hoặc thoa.
Bên cạnh đó, bác sĩ có thể sử dụng tia cực tím hoặc đèn chiếu, đối với những người không đáp ứng với các phương pháp điều trị tại chỗ hoặc tái phát bệnh quá nhanh. Phương pháp này tuy hiệu quả nhanh nhưng ít sử dụng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, bởi sẽ làm tăng nguy cơ lão hóa da sớm và ung thư.
Để phòng ngừa viêm da dị ứng hiệu quả, người bệnh cần lưu ý cách chăm sóc da phù hợp như: dưỡng ẩm cho da ít nhất hai lần mỗi ngày, không tắm nước quá nóng hoặc quá lâu, uống đủ 2-3 lít nước mỗi ngày. Ngoài ra, nên chọn các sản phẩm xà phòng, kem dưỡng có thành phần dịu nhẹ, không kiềm, không hương liệu hoặc phẩm màu; mặc quần áo thoáng mát với chất vải cotton hay sợi tự nhiên. Một lưu ý nữa là nên giữ môi trường xung quanh sạch sẽ, thư giãn giải tỏa mỗi khi gặp áp lực.
Nguyễn Vân