Thạc sĩ - bác sĩ Vũ Thị Thùy Trang, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, BVĐK Tâm Anh TP HCM cho biết, có nhiều yếu tố gây nám, trong đó, tia UV là tác nhân chủ yếu nên cần bảo vệ da khỏi tác động của ánh nắng mặt trời. Một trong những phương pháp hiệu quả nhất là sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF trên 30, từ 15-30 phút trước khi đi ra ngoài.
Bên cạnh đó, mọi người nên bảo vệ da khỏi tác động của ánh nắng mặt trời bằng các cách sau:
Che chắn làn da: đội mũ rộng vành, đeo khẩu trang, đeo kính râm...
Ăn uống lành mạnh: đảm bảo cung cấp đủ và cân đối các chất dinh dưỡng giúp làn da khỏe mạnh, đẩy lùi dấu hiệu lão hóa, giảm nguy cơ hình thành nám.
Chế độ sinh hoạt hợp lý: tăng cường luyện tập thể dục thể thao, hạn chế thức khuya, tránh căng thẳng...
Sử dụng mỹ phẩm có nguồn gốc rõ ràng: lưu ý lựa chọn mỹ phẩm an toàn, xuất xứ rõ ràng, không chứa các thành phần kích ứng da.
Khám bác sĩ chuyên khoa da liễu - thẩm mỹ da khi nám mới xuất hiện, chưa nghiêm trọng. Việc điều trị sớm sẽ giúp người bệnh nhanh chóng lấy lại làn da khỏe đẹp.
Bác sĩ Trang chia sẻ, khi bị nám, nhiều người tìm đến các loại thuốc nam, thuốc bắc, kem bôi thoa cấp tốc. Tuy nhiên, kết quả thường không như mong đợi, ngược lại, nám vẫn còn, da viêm, sưng phù, mỏng dần... Do đó, khi thấy trên da xuất hiện những đốm nâu, đen, người bệnh nên tìm đến bác sĩ chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ da để biết tình trạng mình gặp phải là gì, nám nông, nám sâu hay nám hỗn hợp. Quá trình kiểm tra không chỉ giúp chẩn đoán bệnh chính xác mà còn phát hiện và điều trị kịp thời những bệnh liên quan.
Tùy vào nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ hướng dẫn phương pháp điều trị phù hợp. Có trường hợp nám tự biến mất, mờ dần, hoặc nám tồn tại vài năm, thậm chí vĩnh viễn. Trường hợp nám da do nội tiết tố thay đổi, mang thai hoặc uống thuốc tránh thai sẽ thuyên giảm sau khi sinh hoặc ngừng sử dụng thuốc.
Nếu nám da do tiếp xúc quá nhiều với ánh sáng mặt trời, màn hình LED, mỹ phẩm hoặc xà phòng thơm, người bệnh có thể tạm ngưng sử dụng hoặc hạn chế tiếp xúc với những nguyên nhân trên. Ngoài ra, người bệnh còn có thể được bắn laser giúp phá hủy các tế bào cũ, tăng sinh collagen hình thành lớp tế bào mới, làm mờ vết nám, đều màu và sáng da hoặc thay da hóa học để loại bỏ lớp da sẫm màu mà không ảnh hưởng đến quá trình tái tạo tế bào mới...
Thạc sĩ- bác sĩ Vũ Thị Thùy Trang lưu ý việc điều trị nám cần phải kiên trì và người bệnh cần có ý thức phòng ngừa nám sau điều trị, bởi nám có thể tái phát nếu da không được chăm sóc và bảo vệ đúng cách. Nếu tự ý sử dụng thuốc uống, thuốc bôi, nám có thể mờ nhưng thời gian sau sẽ tái phát, thậm chí tình trạng còn tệ hơn. Do tình trạng nám, mức độ hấp thụ thuốc ở mỗi người là khác nhau, mọi người không nên áp dụng cách trị nám của người này lên người khác.
Nguyễn Vân